Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Họ Nhữ làng Hoạch Trạch

  Làng Vạc có tên chữ là Hoạch Trạch, nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Làng có nghề làm lược tre hay lược bí tre vàng. Thuộc quần thể cánh đồng Mộ trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

 Các cụ bảo: Tên làng Vạc là do vua ban vì dân làng đã nấu cơm cho quân lính ăn giúp vua đánh thắng giặc. Chữ Hoạch là cái Vạc, chữ Trạch là ơn huệ nên Hoạch Trạch được dịch nôm là cái vạc ơn huệ và gọi tắt là làng Vạc

 

Họ Nhữ làng Hoạch Trạch.

Dòng họ Nhữ còn giữ được 31 đạo sắc phong của các triều đại.

 

Trong khoảng 150 năm ở thời phong kiến, dòng họ này có tới 5 người đỗ đại khoa (tiến sĩ). Ngoài ra còn có hơn 20 người đỗ trung khoa.

Cụ thủy tổ là Nhữ Văn Lan: (sinh năm 1443, đậu tiến sĩ khoa thi Quý Mùi 1463) làm quan dưới triều Lê Thánh Tông. Trong 40 năm làm quan, ông từng đảm nhiệm đến chức Thượng thư Bộ Hộ. Ông chính là ông ngoại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hóa. Các tài liệu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều nhắc đến ảnh hưởng của thân mẫu Nhữ Thị Thục và ông ngoại Nhữ Văn Lan.

Dòng họ Nhữ có mặt tại làng Hoạch Trạch khi người con trai thứ hai của tiến sĩ Nhữ Văn Lan là Nhữ Huyền Minh làm Tri huyện Lục Ngạn di cư về đây. Nhiều đời về sau, họ Nhữ không ngừng lớn mạnh và phát đường khoa bảng.

Người thứ nhất là tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng sinh năm 1623. Năm 42 tuổi, ông thi đỗ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1664), làm quan tới chức Lễ bộ cấp sự trung.

Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền sinh năm 1659, là con trai tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng. Mới 17 tuổi đã thi đỗ Hương cống, năm 21 tuổi đỗ tam giáp đồng tiến sĩ khoa thi Canh Thân (1680). Trong 36 năm làm quan dưới triều vua Lê Hy Tông, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: Hàn lâm viện hiệu thảo, Binh khoa cấp sự trung, Hình bộ Tả thị lang, Hình bộ Thượng thư, Bồi tụng Ngự sử đài… Khi còn giữ chức Hình bộ Ngự sử đài, đi đến đâu ông cũng điều tra tìm hiểu ngọn ngành những oan khuất của dân tình. Sử sách còn ghi lại nhiều vụ sử kiện công minh của ông như: vụ án “thóc nảy mầm”, vụ xử gian tăng ở chân tháp Phù Đồ… Người thời đó từng có lời ca ngợi: “Văn chương Lê Anh Tuấn/Chính sự Nhữ Đình Hiền”.

Tiến sĩ Nhữ Trọng Đài, sinh năm 1696, năm 38 tuổi đã thi đỗ đình nguyên đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (bảng nhãn) khóa Quý Sửu (1733), làm quan đến chức Hiến sát sứ.

Tiến sĩ Nhữ Đình Toản là con tiến sĩ Nhữ Đình Hiền. Nhữ Đình Toản tuổi trẻ thông minh, do năm 18 tuổi làm văn mắc lỗi nên năm 26 tuổi mới được đi thi. Năm 1736 đời Lê Ý Tông, ông đỗ hội nguyên tiến sĩ. Đầu thời Lê Hiển Tông, ông từ chức Tự khanh được thăng lên làm Tham tụng. Lúc đó Đàng Ngoài có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, Nhữ Đình Toản cùng 2 vị lão thần được giao việc nội trị. Ông được chúa Trịnh Doanh yêu mến, cho đổi tên là Công Toản. Năm 1751, ông tham gia hiệu đính quyển sách Bách khoa chức chưởng, được người đương thời khen ngợi. Nhữ Công Toản đề nghị khôi phục lại nếp văn chương thời Hồng Đức, các kỳ thi hương, thi hội đều dùng văn chương giản dị, bỏ lối viết vụn vặt. Nhữ Công Toản làm Tể tướng hơn 10 năm, sau vì muốn tránh nơi quyền thế nên xin đổi sang chức võ. Khi về hưu, ông được ban danh hiệu Quốc lão. Năm 1773, Nhữ Đình Toản qua đời, được truy tặng làm Thái bảo.

Tiến sĩ Nhữ Công Chấn, chắt nội cụ Nhữ Tiến Dụng, sinh năm 1751, năm 22 tuổi thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1772), làm quan tới chức Hàn lâm thị chế, Lễ bộ Hữu thị lang.

Ông Nhữ Đình Hoạch, trưởng dòng họ Nhữ cho biết: Tên các vị tiến sĩ dòng họ Nhữ đã được ghi trên bia Văn miếu Quốc Tử Giám. Hiện mộ của các vị tiến sĩ vẫn được con cháu trông nom và dòng họ Nhữ còn giữ được 31 đạo sắc phong của các triều đại.

 

Ông tổ nghề lược Vạc

Trong các ông tiến sĩ họ Nhữ có một vị được người làng Vạc coi là ân nhân, tôn là ông tổ nghề đó là tiến sĩ Nhữ Đình Hiền.

Năm đi sứ Trung Quốc (1697-1700) để đàm đạo việc đất đai biên giới, ông đối đáp thông minh khiến triều Thanh nể trọng, đồng ý trả lại vùng biên cương bị lấn chiếm. Với những công lao đó, ông được triều đình nhà Lê phong “Thái bảo, Thái phó thọ quận công Trượng trụ quốc”.

Cũng lần đi sứ ấy, ông đã học nghề làm lược bí rồi về truyền lại cho người dân quê hương.

Năm 2009, nghề sản xuất lược tre thôn Hoạch Trạch đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề.

Tháng 2-1993, nhà thờ họ Nhữ đã được chọn thờ ông tổ nghề làm lược và được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đền thờ tổ nghề lược Nhữ Đình Hiền nằm ở thôn Sồi Tó, xã Thái Học. Ngôi đền có 3 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Phía trước có con sông nhỏ chảy qua. Tuy nhiên, theo ông Nhữ Đình Hoạch, trưởng dòng họ Nhữ thì diện tích đất đền thờ đang bị xâm lấn. Dòng họ Nhữ đã đề nghị UBND xã Thái Học sớm giải quyết tình trạng vi phạm để trả lại sự tôn nghiêm cho di tích, giá trị tâm linh, cảnh quan văn hóa và sự an toàn của công trình.

NGỌC HÙNG
Theo Báo Hải Dương

 Tiến sỹ Nhữ Đình Toản và Lưỡng Quốc Quận quế Phu nhân Nhữ Thị Nhuận.

Lưỡng Quốc Quận quế phu nhân Nhữ Thị Nhuận(1),người đã bỏ ra 3.000 quan tiền để xây dựng đình làng Mộ Trạch, Đình còn được bảo tồn đến hiện nay, được cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Quận công Nhữ Thị Nhuận là em con chú con bác ruột với Tiến sỹ Nhữ Đình Toản(2)

Đình Mộ Trạch
(làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang)

Đình thờ Vũ Hồn, người gốc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), làm quan đến thứ sử Gia Châu, có công lập ấp Khả Mộ, nay là làng Mộ Trạch.
 Đình Mộ Trạch được xâu dựng khoảng đầu thế kỷ XVI ở phía tây của làng. Khoảng đầu thế kỷ XVII, đình được chuyển về vị trí hiện nay. Năm Đinh Sửu (1637) đình được trùng tu, gồm 3 gian, hai chái bằng gỗ lim, lớp ngói. Đình nhỏ nên hàng năm khi mở hội phải dựng rạp bằng cỏ tươi.
Năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), dân làng tái tạo đình lớn hơn. Đình có bệ tổ tiên các dòng họ của làng. Lúc đầu có 6 giáp, sau chia thành 12 giáp, mỗi giáp là một họ nhỏ hay là một chi của họ lớn.
Khoảng những năm đầu khởi nghĩa của Vũ Trác Oánh (1740-1741), đình bị đốt phá. Năm 1757, bà Nhữ Thị Nhuận, chính thất của cử nhân Vũ Phương Đẩu, bỏ 3.000 quan tiền để làm lại đình mới. Đình xây kiểu chữ công. Tiền tế 5 gian, một gian ống muống, nối với hậu cung nối tiếp 3 gian để thờ tổ tiên các dòng họ và những người hậu thần. Hai giải vũ áp sát tường bao, song song với ống muống.
Vào những năm 1929-1931, đình được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc của năm 1757, tồn tại đến ngày nay. Đình có diện tích 242 m2. Năm 1998 đình tiếp tục được trùng tu. Trong đình còn nhiều bi ký về quá trình xây dựng đình, một số đồ tế tự như sắc phong, câu đối, đại tự, thân tích.
     Lễ hội hàng năm vào ngày 8 tháng Giêng .
Đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991.
(Trích Địa chí Hải Dương
Nhà xuất bản Sự thật - Tập I, trang 672, 673)

Bác sĩ Nhữ Thế Bảo
20/6/1912 – 02/4/1983

Bác Hồ chơi bi-a cùng Bs.Nhữ Thế Bảo
Ảnh tư liệu do gia đình Bs.Nhữ Thế Bảo cung cấp
Bác sĩ Nhữ Thế Bảo sinh năm 1912 tại Hà Nội, quê quán tại làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
 Nguyên là
Viện trưởng Quân y viện 108,
Giám đốc bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô,
Cục trưởng Cục Bảo vệ sức khoẻ trung ương, đặc trách chăm sóc sức khỏe của các vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng ….Xuất thân trong một gia đình viên chức, tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa năm 1938.
Khi còn là học sinh Ông đã cùng với anh em, bạn bè tham gia cuộc bãi khoá để tang cụ Phan Chu Trinh. Trong thời gian làm thầy thuốc ở mỏ than Hòn Gay (từ năm 1939 - đến năm 1945).
Cuối năm 1945 Ông về Hà Nội với gia đình; Năm 1946 cùng một số trí thức yêu nước sáng lập ra Đảng Xã hội Việt Nam.
Cuối tháng 01/1947 Ông làm Giám đốc Quân dân y Phân khu Tây Bắc Thành phố Hà Nội. Bác sỹ Nhữ Thế Bảo là một trong những Chiến sỹ tiên phong thành lập Ngành Quân Y QĐND Việt Nam [6].
Năm 1956 Ông được chuyển công tác về Bộ Y tế. Ông đã đảm nhiệm các nhiệm vụ như:
 Ủy viên thường trực; Cố vấn của Hội đồng Bác sĩ Trung ương.
Ngoài cương vị lãnh đạo chủ chốt của cơ sở, Ông được Trung ương Đảng, Chính phủ tín nhiệm giao đảm trách sức khoẻ các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đặc trách chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Phó chủ tịch Nguyễn Lương Bằng[4].
Hơn 20 năm biệt phái công tác tại Phủ Chủ tịch, Ông ngày đêm theo sát các bước đường công tác, để chăm sóc sức khoẻ cho các vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta.

Tháp tùng Bác Hồ trên biển Hắc Hải Bs.
Ông vốn thuộc dòng dõi khoa bảng tại làng Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tổ tiên nhiều đời nối tiếp nhau đỗ đại khoa, dù làm quan to, nổi tiếng[8], nhưng vẫn luôn giữ gìn phẩm chất sống trong sạch, chính trực, liêm chính như tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng, tiến sĩ Nhữ Đình Hiền, bảng nhãn Nhữ Trọng Thai, tiến sĩ Nhữ Đình Toản, hoàng giáp Nhữ Công Chấn…. Cha ông là Nhữ Trọng Túc, đậu cử nhân và được trao chức Hàn lâm viện thị độc học sĩ[9], Triều đình nhà Nguyễn đã cử đi ngoại giao với Trung Quốc 6 năm…
   Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng Quê hương, truyền thống hiếu học của tổ tiên, gia đình luôn là động lực, là chỗ dựa tinh thần cho Ông trong suốt bước đường công tác. Dù bộn bề với bao công việc nhà nước giao, nhưng hàng năm tranh thủ những lần đi công tác cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, ông vẫn về thăm quê hương, đến Nhà thờ họ, kính cẩn thắp hương tưởng nhớ các bậc tổ tiên - những tấm gương sáng về tri thức, nhân cách để ông noi theo.
Tài Liệu Tham Khảo:
-  
“Hoạch Trạch Nhữ Tộc Phả” tác giả Nhữ Đình Toản

- Trang tin điện tử ngành quân y www.quandany.com
-  www.honhuvietnam.com
- Tài liệu Hoạch Trạch biên niên ký của Nhữ Đình Rồng
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét