Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Độc đáo cây lim cổ và 12 dòng họ ở An Lạc

Độc đáo cây lim cổ có khối u hình con cáo
Rừng lim đền Cao mang trong mình rất nhiều huyền thoại, được xem là biểu tượng linh thiêng của vùng đất An Lạc - Chí Linh, Hải Dương.
Đặc biệt nhất là cây lim tổ 800 năm tuổi có khối u hình con cáo cuộn tròn "sống" bên cạnh bàn thờ ông tổ đã khai sinh ra 12 dòng họ lớn ở Chí Linh. Nhiều người vẫn tin rằng, khối u hình con cáo này chính là "hiện thân" của ân nhân đã cứu ông tổ 12 dòng họ thoát khỏi sự truy sát của giặc Hán.

Truyền thuyết về chàng trai được 12 cô gái cứu mạng
Rừng lim cổ nằm rải rác phía Tây đền Cao trên núi Thiên Bồng. Để đến được nơi này người ta có thể đi bằng hai con đường nhưng cả hai con đường này đều phải bước qua hơn 30 bậc thang bằng bê tông đã nhuốm màu thời gian.
Làng An Lạc chỉ rộng chừng 4km2, vùng đất này được bao bọc bởi 99 ngọn núi cao thấp và dòng Nguyệt Giang quanh năm đục ngầu phù sa. Vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất này làm nơi đóng quân để tập kết người tài chống giặc Tống xâm lược vào năm 981.
Không ai biết rừng lim này có từ bao giờ, chúng mọc tự nhiên hay do ai đó trồng nên...
Rừng lim cổ khi xưa rộng hàng chục hecta nhưng trải qua thời gian nay chỉ còn 54 cây lim cổ thụ và 400 cây lim trưởng thành là thế hệ con cháu của các cây lim cổ thụ. Trong đó, cây lim có tuổi đời cao nhất khoảng hơn 800 năm tuổi vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam năm 2012. Người làng gọi cây lim cao tuổi nhất này là cây tổ của "Thập nhị gia tiên" vì nó gắn liền với nguồn gốc của 12 dòng họ lớn trong làng. Đặc biệt, đây là cây lim duy nhất có một khối u hình con cáo cuộn tròn mọc giữa thân cây. Nhiều người cho rằng, khối u này chính là "hiện thân" của vị ân nhân đã từng cứu giúp ông tổ 12 dòng họ thoát khỏi vòng vây của giặc. Vì lẽ đó, ngay dưới gốc cây lim này người ta đã lập một ban thờ nho nhỏ.  
Trong ngọc phả mà Ban quản lí khu di tích đền Cao còn giữ có một truyền thuyết kể lại rằng: vào thời Giao Chỉ khi giặc Hán sang xâm lược nước ta, chúng đã thực thi chính sách "Sát phu hiếp phụ" hòng tận diệt nòi giống dân Việt.
Làng An Lạc có một người đàn ông đã may mắn trốn chạy được vào rừng sâu để thoát thân. Một lần, đang ẩn trong một bụi cây rậm thì quân giặc đi lùng, chúng băm nát bụi cây ẩn  lấp, ông bị chúng chặt đứt một cánh tay. Trong lúc nguy cấp thì có một con cáo nhảy từ một bụi rậm bên cạnh ra hù dọa, lũ giặc mới chịu bỏ đi.
Trước đó, giặc Hán lấy cớ ép 12 cô gái trong làng làm vợ bằng cách bắt họ trồng 12 loại hoa với điều kiện, khi nào cây lên xanh tốt thì phải theo hầu. Hàng ngày, 12 cô gái này đã bí mật mang cơm nước ra tiếp tế nên người đàn ông kia đã sống sót. Chính người đàn ông này đã nghĩ ra cách bày cho 12 cô gái đun nước sôi tưới quanh gốc hoa để cây cứ khô héo rồi chết dần. Quân giặc vốn rất tin chuyện phong thủy nên khi thấy hoa chết dần thì chúng cũng nhanh chóng thu quân để chuyển sang vùng đất khác. Sau khi giặc rút, người đàn ông kia đã qua lại với tất cả 12 cô gái và các cô gái đều sinh cho ông những người con trai, con gái. Những đứa con khi ra đời đều đã mang  họ mẹ. Chính vì thế 12 dòng họ khác nhau đã ra đời và phát triển cho đến ngày nay.
Những dòng họ có thể kể tên như: Dương, Phạm, Lê, Trần, Nguyễn, Mạc, Hoàng, Bùi... cuối cùng là họ Đỗ, Lỗ, Tạ. Hàng năm, vào 15/10 âm lịch, con cháu của 12 dòng họ từ khắp mọi miền đất nước lại tụ hội về làng để tổ chức lễ giỗ tổ.
 Lễ giỗ diễn ra ở ban thờ tổ, ngay dưới cây lim cổ 800 tuổi phía sau đền Cao. Trong số các loại lễ vật con cháu 12 dòng dâng cúng ông tổ của mình, một loại lễ vật không bao giờ thiếu được đó là xôi hoa dành dành và thủ lợn. Tương truyền thì chính 12 cô gái tức 12 bà tổ ngày xưa đã từng dùng gạo nếp trộn với hoa dành dành (là một trong 12 loại hoa mà quân giặc bắt 12 cô gái chăm sóc) đồ lên thành xôi để cứu tế cho ông tổ. Cũng chính vì lý do này mà từ xa xưa, làng An Lạc đã có lời nguyền, trai gái trong làng không được lấy nhau vì sợ cùng chung huyết thống. Cho đến mãi sau này thì lời nguyền này mới được hóa giải.
Chuyện các bô lão thay nhau chống gậy ôm lim
Rừng lim cổ thụ tồn tại được đến ngày nay là phải kể đến công lao rất lớn của các cụ bô lão trong làng. 
Trước những năm của thập niên 1960, cả rừng lim này còn 60 cây. Nhưng đến thời kỳ cải cách văn hóa, chính quyền đã cho phá bỏ một số di tích đền chùa. Rừng lim ở đây cũng có chủ trương bị đốn hạ. Khi họ mới cưa được 6 cây thì 108 cụ già làng Đại cùng đông người dân làng An Lạc đã thay nhau, mỗi ngày lại có hai, ba cụ lên ôm một gốc lim và tuyến bố: "Cưa rừng lim thì phải cưa chúng tôi trước". Nhiều cụ cao niên còn chống gậy, cơm đùm cơm nắm lên tận chính quyền tỉnh và trung ương để đệ đơn kiến nghị không chặt phá rừng lim, vì với người dân An Lạc rừng lim không chỉ là lá phổi xanh mà còn là một phần máu thịt đã quá đỗi quen thuộc và thân thiết trong đời sống tinh thần của họ.
Trong 6 cây lim bị cưa, một số người đã dùng gỗ này để đóng các vật dụng như: giường, tủ, cửa, bàn ghế... Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà rải rác từ nhiều năm nay, một số gia đình đã bí mật mang đến vứt trả lại trong khu vực đền Cao và rừng lim. Dân làng nhặt những đoạn gỗ này làm thành những vật lưu niệm để tặng cho khách thập phương khi họ đến đây lễ bái. 

Đặc điểm của các cây lim ở đền Cao là do mọc tự nhiên nên các cây không đều và thân cây rất cong queo, cằn cỗi, xù xì... Ngoài ra, có thể do đặc điểm khí hậu nên hầu hết các cây lim ở đây đều có các cây sống tầm gửi trên phần thân và ngọn.

Thời chống Pháp, đất An Lạc chịu nhiều trận càn của giặc, hàng chục tấn bom của quân thù ném xuống phá tan hoang làng xóm nhưng tuyệt nhiên không có quả bom nào rơi trúng ngôi đền Cao và đồi lim cổ. Rồi đến thời máy bay Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, có 8 quả bom trút xuống gần khu vực quanh đền, nhưng lạ ở chỗ, bao nhiêu bom đạn đều rơi ra đồng, ra bãi cả.
Vì những chuyện lạ kỳ như thế mà rừng lim cổ thụ trường tồn và trở thành biểu tượng rất đỗi linh thiêng. Mỗi khi người dân đến đền Cao lễ bái không quên khẩn cầu thần cây Lim phù hộ cho mình và gia đình.

 Kien thong – suu tam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét