Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Mộ Trạch - Làng tiến sĩ


"An Nam Tứ Trạng Mộ Trạch kiêm chi"
Dân làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, ai ai cũng có thể say sưa nói về năm người có biệt tài được phong trạng và niêm danh sang trọng trong đình. Đó là trạng ăn Lê Nại, trạng cờ Vũ Huyên, trạng vật Vũ Phong, trạng toán Vũ Hữu và trạng chạy Vũ Cương.
Họ Vũ ở làng Mộ Trạch (làng Tiến sĩ nổi tiếng nhất ở xứ Đông và trong nước trước kia), là một trong những dòng họ lớn ở Việt Nam có Thuỷ tổ - Thần tổ Vũ Hồn - Thành hoàng làng Mộ Trạch.
Theo gia phả, tộc phả và thần phả ở Mộ Trạch, vào đời nhà Đường bên Trung Quốc (618 – 907), khoảng năm 800, có một quan chức tên là Vũ Huy người làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến. Vợ là Lưu Thị Phương. Hai ông bà đã nhiều tuổi, khoảng gần 60 tuổi, vẫn chưa có con cái. Ông Vũ Huy vốn tinh thông khao địa lý phong thủy, do đó trên đường đi du ngoạn về phương nam, đến đất Giao Châu khi ấy là khu vực đất thuộc đồng bằng Bắc Bộ bây giờ.
Một hôm đi đến ấp Mạn Nhuế thuộc huyện Thanh Lâm đất Hồng Châu sau này là tỉnh Hải Dương, Vũ Huy thấy một kiểu đất đẹp ở khu cánh đồng mênh mông có 98 gò đất nhỏ bao quanh một gò cao và lớn, tựa như 98 ngôi sao chầu về mặt trời (cửu thập bát tú triều dương ). Cái gò ấy tên địa phương gọi là Đống Dờm. Theo thuyết địa lý – phong thủy nếu mộ táng ở đây con cháu sẽ phát sinh khoa bảng. Công danh hiển hách. Cụ Vũ huy quay trở về Phúc Kiến đưa hài cốt thân phụ sang táng ở Đống Dờm, rồi làm nhà ở tạm để trông nom ngôi mộ.
Ở làng Mạn Nhuế khi ấy có một thôn nữ con nhà nề nếp, tính tình đoan trang phúc hậu, chăm chỉ làm ăn lại có quý tướng sinh con quyền cao chức trọng. Có lẽ do duyên trời đã định, nên gia đình cô thôn nữ đã chấp nhận lời cầu hôn của ông Vũ Huy, và ít lâu sau, hôn lễ đã được cử hành. Bà là Nguyễn Thị Đức.
Hơn một năm sau, bà có thai. Ông đưa bà về Phúc Kiến (thuộc đất mân Việt cũ)
Ngày 08 tháng giêng năm giáp Thân(804) bà sinh con trai. Ông bà đặt tên con là Vũ Hồn. Năm 820, Vũ Hồn đã đỗ kỳ thi Đình khi mới 16 tuổi. Vũ Hồn còn tinh thông cả khoa thiên văn - Địa lý – Phong thủy. Năm 825 ( Ất Tỵ) đời vua Đường Kính Tông, niên hiệu Bảo lịch thứ nhất, Vũ Hồn được cử sang An Nam làm Thứ Sử Giao Châu.
Năm 841(Tân Dậu) đời Đường Vũ Tôn, niên hiệu Hội Xướng thứ nhất, Vũ Hồn được thăng chức kinh lược sứ thay Hàn Uớc. Trong thời gian ở An Nam, Kinh lược sứ Vũ Hồn đã đi kinh lý và xem xét nhiều nơi. Một lần Ngài đến trang Lạp Trạch huyện Đường An thấy về phía tây thôn ấy có cách đồng hoang, cỏ lau rậm rạp, rải rác có những gò đống tựa 5 con ngựa, 7 ngôi sao hoặc những ao mà dưới đáy có doi đất nổi lên như hình quả bút, nghiên mực, quyển sách… Theo kiến thức về địa lý- phong thủy là một kiểu đất đẹp, kết.
Lúc đương thời làm quan ở Giao Châu. Thủy Tổ Vũ Hồn đã có ý định sau này định cư ở quê ngoại, nên đã chú ý tìm đất và đã tìm được vùng đất Lạp Trạch, sau này là thôn Khả Mộ, rồi Mộ Trạch huyện Đường An như trên đã nói
Ngài xây dựng nhà cửa, dinh cơ cho gia đình, rồi gọi dân cư ở rải rác các vùng xung quanh về ở, giúp đỡ họ tiền bạc đễ xây dựng nhà cửa, mở trường dạy học,lập nên một xóm nhỏ, đặt tên là Khả Mộ Trang ( có nghĩa là ấp đáng mến), sau dân cư đông đúc thêm đổi tên thành Khả Mộ thôn dần dần thành một thôn ấp có văn hoá, có lễ nghĩa và làm ăn thịnh vượng.
Khi mẹ Ngài qua đời( Cụ bà Nguyễn Thị Đức), ngài khóc than khôn xiết rồi rước linh cữu mẹ lên táng ở xã Kiệt Đặc huyện Thanh Lâm- sau này thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cũng là vùng lân cận với Mạn Nhuế, quê ngoại của Ngài.
Năm 853- Quý Dậu – năm ngài vừa đúng 49 tuổi, một hôm vào ngày 03 tháng Chạp, ngài đương ngồi dạy học, thì thấy trong mình khó chịu, rồi thiếp đi, không bệnh gì mà hoá. Trang dân và gia thần bèn rước ngài lên xứ Đồng Cạn, một gò đất nhỏ trong cánh đồng phía tây Bắc thôn trang để an táng.
Bỗng nhiên, trời đất tối sầm, mây mù vây kín. Giờ lâu, trời quang mây tạnh, thì đã kiến, mối đùn lấp thành một ngôi mộ lớn. được Vua Đường sắc phong là một vị Phúc Thần.
Vì vậy, đến nay khu gò đất táng di hài ngài có tên Mả Thần nay gọi là Thần Lăng. Tại Mả Thần chỉ có một ngôi mộ của ngài. Sau khi cụ Thuỷ Tổ qua đời, đến lược cụ Bà cũng được dân làng và con cháu táng liền kế bên, gọi là mộ song táng.
Dân làng lại tôn ngài làm Thành Hoàng, giữa thôn dân với Ngài có ơn nặng tình sâu
Xét công lao to lớn của Ngài, và của các con cháu Ngài đã đóng góp các thành tích đáng kể cho đất nước, do đó các triều đại phong kiến Việt Nam đã lần lược gia phong cho Ngài làm Thần Vương tất cả 12 lần với 12 đạo sắc
KS. Vũ Mạnh Hà
Xem thêm
“Thần y” Võ Hoàng Yên chữa bệnh bằng day huyệt đạo. Rất đơn giản, người thanh niên 37 tuổi ấy chỉ dùng tay, vận dụng sức lực toàn thân bấm, day huyệt đạo và kéo, co, duỗi tay chân của người bệnh. Thế nhưng, bao nhiêu giấy mực báo chí phải nói về anh.
TS Vũ Văn Bằng phát minh “Tia Đất” và cỗ máy BXT-09 nhìn xuyên đất. TS. Vũ Văn Bằng là một nhà khoa học được Nhà nước đào tạo bài bản. Ông hiện là Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) và Phó Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe.

Cần hết sức thận trọng khi sử dụng truyền thuyết dân gian như một nguồn sử liệu.
Lịch sử là tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Đó là thực thể khách quan cực kỳ phức tạp và là đối tượng nghiên cứu của khoa học lịch sử. Để tái tạo lại quá khứ, qua đó tìm hiểu các quy luật của lịch sử,  nhà sử học phải có trong tay các nguồn sử liệu và phương pháp phê phán, phân tích và đánh giá giá trị của chúng. Quá khứ để lại dấu vết dưới rất nhiều hình thức khác nhau nên việc mở rộng các nguồn sử liệu là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh ấy, truyền thuyết dân gian dưới mọi dạng thức cũng có thể coi là một nguồn sử liệu. Tuy nhiên, bất cứ ai khi tiến hành nghiên cứu lịch sử phải nắm vững và tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Kết quả nghiên cứu, cho dù nghiêm túc đến đâu, cũng chỉ là nhận thức lịch sử chứ không phải là lịch sử. Điều đó có nghĩa là người nghiên cứu không bao giờ được phép đồng nhất ý kiến của mình với chân lý khách quan để vội vã đưa ra những nhận định chủ quan.
- Tất cả mọi nguồn sử liệu, cho dù đáng tin cậy đến mấy, cũng cần được phê phán, phân tích và xử lý theo những phương pháp khoa học nghiêm ngặt và luôn phải được phối kiểm bằng nhiều nguồn khác nhau.
- Trong số các nguồn sử liệu, truyền thuyết dân gian, thần tích, thần phả… là loại phức tạp và ít đáng tin cậy vì tính chất tuỳ biến, khó kiểm chứng nên thường chỉ được dùng như những gợi ý cho những giả thuyết hay giúp nhà nghiên cứu có hình dung nào đó về các sự kiện hay thời đại liên quan. Nó hầu như không giá trị cho việc khẳng định tính xác thực của những sự kiện cụ thể.
Những điều trên đây tuy rất sơ đẳng, nhưng đối với công việc nghiên cứu lịch sử nghiêm túc phải được coi là những nguyên tắc cơ bản.
Yêu lịch sử là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, nên hiện tượng ngày càng có nhiều người tìm hiểu lịch sử, biên soạn lịch sử địa phương hoặc viết về một thời kỳ, một  nhân vật mình yêu thích là tín hiệu đáng mừng và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, không tuân thủ bất cứ một nguyên tắc nào. Nhiều bài viết chỉ dựa vào truyền thuyết hay những tài liệu thành văn nhưng được biên soạn từ truyền thuyết (thần phả, thần tích…) mà cũng không cần biết truyền thuyết ấy xuất hiện khi nào, giá trị sử liệu đến đâu. Nguy hiểm hơn còn có những tài liệu loại đó được sử dụng làm căn cứ để đi tới những quyết định (tôn vinh, đề cao một nhân vật nào đó, đầu tư một khoản kinh phí nào đó vào việc xây dựng di tích, hoặc trái lại,  để đả kích ai đó…).
Hướng về cội nguồn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được duy trì và phát huy. Trong ý nghĩa đó tổ chức dòng họ để phát huy những nết đẹp của trăm họ, góp phần củng cố sức mạnh cộng đồng dân tộc là việc nên làm. Tuy nhiên, nếu không có cách nhìn đúng đắn thì rất dễ nảy sinh những hệ quả trái chiều do thói cục bộ, ganh ghé, tranh giành ảnh hưởng- những hạn chế vốn có của quan hệ dòng họ. Khi tổ chức dòng họ đã mở rộng trên quy mô toàn quốc thì sự tự nguyện của mỗi người, sự đồng thuận của cộng đồng phải được coi là nguyên tắc tối thượng.
GS.TSKH Vũ Minh Giang
* GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Nhân học, Uỷ viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Uỷ viên Hội đồng Lý luận TW, uỷ viên Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia.
Kiên thông –sưu tầm





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét