Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Sự thật về Đồng Đen


Huyền thoại và sự thật về đồng đen
 
Một chuyên gia buôn đồ cổ ở Hà Nội kể, anh ta đã tận mắt xem thỏi đồng đen chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, nhưng nặng đến 3 kg. Khi thả vào chậu nước bằng sắt thì không chìm xuống đáy mà cứ lơ lửng. Cọ nhẫn vàng thật vào thì màu vàng biến thành màu trắng như nhôm. Chạm vào nó rồi, người cứ mệt lử mấy ngày mới hết (?!).
Đồng đen có khả năng phóng xạ là vật có thật hay chỉ là những câu chuyện huyễn hoặc mà các đối tượng lừa đảo dựng lên?
Mỗi nhóm lừa đảo đồng đen đều có một “trưởng họ”, vài “đại gia” và đám “chân gỗ”.
Đám “chân gỗ” có nhiệm vụ lân la làm quen với những người nhiều tiền, ham chơi đồ cổ. Họ làm ra vẻ vô tình kể những câu chuyện huyễn hoặc và kỳ lạ về đồng đen, khiến đại gia nào đó “vô tình” nghe thấy mê tít, rồi muốn chúng làm mối cho xem. Người mua sẽ được chúng dẫn đến gặp “trưởng họ”. Thông thường ông “trưởng họ” này sống trong một căn nhà cổ (thường là chúng đi thuê), suốt ngày cúng bái, thắp hương thờ tự “vật quý”. Đám “con cháu” thì nhao nhao, đứa đòi bán lấy tiền chia nhau, đứa nhất quyết không cho bán “vật gia bảo” cụ tổ để lại... khiến khách hàng tin rằng vật đó đặc biệt quý thật.
Sự thật về đồng đen
Bước tiếp theo là thử hàng. Đặc tính của đồng đen hay thiên thạch ai cũng... nghe nói, đó là có tính phóng xạ, đưa lửa đến gần lửa sẽ tắt, để thủy tinh gần thủy tinh rạn nứt hoặc vỡ... Thực tế, những đặc tính này chẳng thấy có tài liệu nào nói đến, ghi chép lại. Rõ ràng là do các đối tượng lừa đảo dựng lên, bịa ra.
Trong căn phòng chật kín người là khách xem hàng, khói hương nghi ngút. Tượng con nghê màu đen đặt trong chiếc tủ ở góc phòng, “trưởng họ” xì xụp cúng bái. Một ông khách cầm tấm kính khá dày bỏ vào trong tủ rồi khóa lại. Lát sau mở ra, tấm kính rạn nứt như ruộng lúa gặp hạn. Mấy người đến gần tủ bật lửa, quẹt hết bao diêm cũng không cháy. Có người còn đốt nến mang đến gần tủ, lửa tắt luôn.
Những thủ đoạn trên thực ra rất đơn giản. Chúng đem tấm kính giống như tấm kính sẽ thử nung vào chảo cát. Khi tấm kính nóng, phun mấy giọt nước vào sẽ rạn nứt hết. Trong lúc thử, chúng sẽ nhanh tay tráo tấm kính rạn vào.
Còn cách nữa, sau khi làm những tấm kính nứt ra, chúng sử dụng một loại chất kết dính đặc biệt dính các vết nứt lại. Khi đặt vào gần cục đồng đen, chỉ nặng tay một chút là kính rạn vỡ như cũ ngay. Với bật lửa, diêm, chúng cũng tráo như vậy, chỉ có điều chúng tráo lúc nào trước bao nhiêu con mắt theo dõi thì quả là tài tình như ảo thuật gia.
Cũng có người cẩn thận thuê cả chuyên gia đồ cổ, nhà khoa học, nhà hóa học đi thử hàng bằng những máy móc, phương pháp hiện đại, song cũng không thoát được những mánh khóe của chúng, bởi có thể “chuyên gia” này cũng là người của chúng nốt. Nếu không phải người của chúng sắm vai thì chúng sẽ mua chuộc bằng được.
Nếu ông khách nào bị thôi miên bởi những trò ảo thuật này, sẽ không ngại ngần bỏ bạc tỉ ra mua con nghê, con rùa, tượng ông phỗng chỉ bằng nắm tay. Nhưng mua xong rồi, đem “của quý” đi thử mới biết đó là đồ giả.
Khi cách lừa trên cũ rích, người mua đã cảnh giác, thì chúng chỉ lừa đến bước chuẩn bị tiến hành giao hàng. Tức là khi người mua cầm tiền đến, chúng sẽ đóng giả công an xông vào đòi bắt cả người bán lẫn người mua vì tội “mua bán đồ quốc cấm”, thu hết tiền bạc, tang vật rồi... chuồn mất.
Thời điểm hiện tại, khi khách hàng đã nắm được một số trò ma của chúng thì chúng sử dụng bài lừa cực kỳ cao thủ. Nếu ai có máu kiếm tiền, bị chúng ngắm phải thì không thể thoát được.
Nhân tố mới xuất hiện trong trò lừa tinh vi chính là “đại gia” hay còn gọi là “cái”. Bọn chúng sẽ chọn những tay có vẻ ngoài đẹp mã, quần áo là lượt, đầu tóc bóng mượt, cưỡi xe hơi cáu cạnh để đóng vai này. Chúng sẽ “bật mí” với ai đó, bằng những câu nói vô tình, kiểu như: “Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA đang đặt hàng anh ít đồng đen mà không kiếm đâu ra. Tiền cầm rồi mà không hoàn thành hợp đồng thì toi mạng”.
Vừa than thở, chúng vừa bật nắp chiếc cặp số cho người bên cạnh thấy bên trong là những cọc USD mệnh giá lớn. Ông nào trót nghe thấy “đại gia” than thở, lại vô tình liếc thấy vali tiền thì mắt sáng như gương, tâm trí rối loạn, phải nghĩ làm thế nào để kiếm tí.
Đúng lúc đó, lại như vô tình xuất hiện vài “chân gỗ”, có thể ở quán cà phê nào đó, đang rôm rả nói về chuyện “làng tao có ông già giữ cục đồng đen như giữ tính mạng”. Thế là anh này xin địa chỉ để đến xem, rồi báo ngay cho “đại gia” mình gặp hôm trước.
“Đại gia” nọ liền cưỡi xe con đến ngay, bật cặp số chứa đầy tiền ra, đưa cho kẻ dẫn mối vài triệu đồng và bảo: “Anh phải bay về Mỹ ngay để lấy thêm tiền. Mấy hôm nữa anh cầm vài triệu đô sang xem hàng rồi lấy luôn, chú giữ chặt mối cho anh nhé. Anh sẽ thưởng nặng tay cho chú”. Tay này sướng quá liền dốc hết tiền bạc đem đến đặt cọc giữ hàng.
Có thể một cục đồng đen, thiên thạch giả có đến cả chục ông cùng đặt cọc như thế, "trị giá" của nó là vài tỉ nên đặt cọc ít cũng vài chục, nhiều thì cả trăm triệu đồng. Thế nhưng, chờ mãi chẳng thấy “đại gia” kia xuất hiện, có khi “đại gia” nọ còn thông tin từ Mỹ về: “Anh bị cảnh sát quốc tế bắt rồi”. Vậy là đành chấp nhận mất tiền đặt cọc chứ đòi sao được nữa, hợp đồng ghi rõ còn gì.
Thậm chí có những tay buôn đồ cổ biết tỏng trên đời làm gì có đồng đen, song cũng cứ dẫn mối cho “đại gia” nọ, để lừa gạt kiếm ăn, rồi còn đòi các đối tượng lừa đồng đen chia chác, nhưng rồi cũng chính mình đã bị mắc lừa.
Tóm lại, toàn bộ những vụ mua bán đồng đen đều là một trò lừa bịp có hệ thống và lừa nhau một cách hoàn hảo. Tốt nhất, ai nghe thấy chuyện về đồng đen thì nên gạt bỏ ý nghĩ kiếm lời từ nó.
Ngoài lừa đảo đồng đen, thiên thạch, bọn chúng đang chuyển sang lừa những “vật quý” khác nữa như đôi ngọc minh châu, quốc ấn, vương miện... của vua chúa Trung Quốc có tuổi cả ngàn năm (?!). Địa bàn chúng lừa đảo cũng dần chuyển về vùng sâu, vùng xa như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ...
Đôi ngọc minh châu có giá 1 triệu USD mà một “đại gia” ở Tuyên Quang đang sở hữu. Từ hơn năm nay, chúng đã thử đôi ngọc này cả chục lần trong những khách sạn sang trọng ở Hà Nội và trong TP HCM cho những chuyên gia buôn bán đồ cổ chứng kiến. Theo bọn này, mỗi khi đặt hai viên ngọc gần nhau, tắt điện đi, ngọc phát sáng lung linh.
Theo đám “chân gỗ”, đã có cả chục con mồi giữ mối cho "đại gia" bằng việc đặt cọc chúng cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, vị “đại gia” nhờ xem hàng, đặt cọc hộ sẽ không bao giờ xuất hiện, bởi chúng đều trong đường dây lừa đảo cả. Nếu ai đã trót đem tiền đi đặt cọc hai viên ngọc minh châu như tác giả miêu tả, hãy mau trình báo công an.
Qua những vụ lừa đảo đồng đen xuất hiện nhiều năm nay, bạn đọc đều tự hỏi: đồng đen là gì mà khiến nhiều người mắc bẫy đến vậy?
Theo một tài liệu khoa học, đồng đen chính là đồng đỏ nguyên chất pha với thiếc, lân tinh, măng gan, nhôm, silicon. Tiếng Anh gọi là bronze. Loại hợp chất gọi là đồng đen này dễ đúc hơn, cứng cáp hơn, bớt nặng nề, bớt han gỉ hơn. Những kim loại trên rất dễ kiếm để pha chế nên đồng đen rẻ hơn so với các loại đồng khác.
Chính vì có những ưu điểm đó nên trong lịch sử nhân loại có nhiều thời kỳ nở rộ phong trào chế tác và sử dụng đồng đen. Ở Trung Đông còn có “Kỷ nguyên đồng đen” bắt đầu khoảng 4.000 năm trước Công nguyên. “Kỷ nguyên đồng đen” kết thúc khi người ta tìm ra sắt, bởi sắt có nhiều ưu điểm hơn đồng đen.
Một số tài liệu khác khẳng định, đồng đen là một hợp kim có thành phần là đồng, chì, thiếc, vàng, cùng một số kim loại khác nữa. Để đồng đen có giá trị thì việc pha chế tỉ lệ phải hợp lý, tuy nhiên, chưa có tài liệu nào hướng dẫn pha chế cho đúng tỉ lệ.
Một chuyên gia buôn đồ cổ rất nổi tiếng ở Hà Nội kể rằng, anh ta đã tận mắt xem thỏi đồng đen chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, nhưng cảm giác rất nặng, có lẽ phải đến 3 kg. Thế nhưng, khi thả vào chậu nước bằng sắt (phải bằng sắt chứ không phải nhôm hoặc thiếc) thì không chìm xuống đáy mà cứ lơ lửng. Nếu cọ nhẫn vàng thật vào thì màu vàng sẽ biến thành màu trắng như nhôm. Chạm vào nó rồi, người cứ mệt lử mấy ngày mới hết (?!).
Nghe chuyên gia đồ cổ này kể cũng thấy lạ, song những chuyện nghe như huyền thoại về đồng đen đã nghe quá nhiều rồi nên chả tin.
Một vài nguồn cứ liệu nước ngoài thì nói đồng đen chính là những thỏi uranium hàm lượng thấp mà quân đội Mỹ sử dụng phổ biến trong các thiết bị quân sự, hàng không, vũ trụ. Cũng theo nguồn cứ liệu này, đồng đen chỉ có ở một số nước như Lào, Thái Lan, Myanmar... Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA là thị trường thu mua đồng đen cuối cùng qua các tay môi giới Thái Lan với giá hàng triệu hoặc chục triệu USD một thỏi chỉ bằng nắm tay. Phải chăng vì thế mà đồng đen rất đắt (?!).
Cách đây mấy năm, khi trả lời bạn xem truyền hình về đồng đen trong chuyên mục KCT, GS Nguyễn Lân Dũng nói: “Cho đến giờ, các nhà khoa học vẫn thực sự chưa biết đồng đen là gì, chỉ biết rằng trong đó có đồng, vàng và rất nhiều thành phần khác chưa được biết tới”. Câu trả lời của GS Nguyễn Lân Dũng khiến chúng ta nghĩ rằng đồng đen là cái gì đó có vẻ như có thật, nhưng chưa thấy và chưa được nghiên cứu.
Đồng đen cũng được nhắc đến trong lịch sử. Sự tích Hồ Tây kể rằng, vào thời nhà Lý, nước ta rất thiếu kim khí, vì đã bị người phương Bắc vơ vét chở hết về nước. Khi đó, ở thành Đại La xuất hiện một nhà sư pháp thuật cao cường tên là Không Lộ. Ông đã mang túi vải sang Trung Quốc, vào tận kho chứa của của vua Tống rồi làm phép lấy hết những thứ quý hơn vàng, gọi là đồng đen.
Vua Tống biết liền nổi giận, ra lệnh chém đầu nhà sư nước Nam. Nhưng sư Không Lộ đã vượt qua hoàng thành, tháo chiếc nón tu, thả xuống dòng nước hóa phép thành thuyền, đề khí lướt đi trên sóng, trở về trời Nam. Về nước, sư Không Lộ tập hợp thợ rèn cả nước đúc cái chuông đồng đen khổng lồ hình hoa sen. Vào ngày lễ khánh thành, vị sư cầm chày đánh. Tiếng chuông đồng đen vang xa, rung động ngàn vạn dặm.
Con trâu đúc bằng vàng to như trâu thật ở kho của cải của vua Tống nghe thấy tiếng chuông bỗng co cẳng chạy về phương Nam. Thấy trâu vàng chạy đến, nhà sư ngừng đánh chuông, vì e rằng vàng bạc bên Trung Quốc sẽ theo nhau về nước Việt, lại gây mâu thuẫn giữa hai nước. Nhà sư bèn lăn chuông xuống Hồ Tây. Con trâu vàng cũng nhảy theo và biến mất dưới đáy hồ. Sau đó, sư Không Lộ hóa về Trời.
Những người thợ rèn nước Việt đã dựng một ngôi đền thờ cạnh Hồ Tây để nhớ ơn nhà sư Không Lộ đã dạy cho họ phương pháp đúc đồng. Vua nhà Lý đã ban sắc phong tặng sư Không Lộ biệt danh là Thần Thợ Đúc.
Câu chuyện trên đây kể về đồng đen mang màu sắc truyền thuyết, nên giá trị của đồng đen thế nào, không thể dựa vào đó mà kết luận được.
Tuy nhiên, có một ngôi tượng đồng đen mà hầu như người Hà Nội đều biết đến, đó là ngôi đại tượng ở Đền Quán Thánh, trên đường Thanh Niên.
Đền Quán Thánh được xây dựng vào thời Vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Thánh Trấn Vũ, hình tượng kết hợp giữa một nhân vật thần thoại Việt Nam, giúp An Dương Vương trừ ma quấy rối khi xây thành Cổ Loa và nhân vật thần thoại Trung Quốc, coi giữ phương Bắc.
Trong đền có pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng đen, đúc năm 1667. Tượng cao 3,96m, chu vi 3,48m, nặng 3,6 tấn. Tượng có hình dáng người ngồi, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm. Thân thanh gươm có rắn quấn và chống lên lưng rùa. Pho tượng mang dáng dấp một đạo sĩ. Có thể nói đây là một công trình nghệ thuật độc đáo đánh dấu kỹ thuật đúc đồng của người Hà Nội cách đây nhiều thế kỷ.
Như vậy, qua bức tượng Thánh Trấn Vũ ở đền Quán Thánh có thể nói sự thực trên đời có đồng đen. Tuy nhiên, về mặt giá trị đặc biệt của thứ kim loại này thì cần phải được nghiên cứu kỹ. Ngay cả giới lừa đảo đồng đen cũng chẳng biết đồng đen là gì.
Nếu người đời cho rằng đồng đen quý hơn vàng, có tính phóng xạ làm tắt lửa, vỡ gương, biến vàng thành bạc... thì tượng đồng Thánh Trấn Vũ ở đền Quán Thánh cần phải gọi lại cho chính xác là tượng đồng màu đen, bởi vì bức tượng này không hề có tính phóng xạ như những câu chuyện huyễn hoặc mà người đời kể cho nhau nghe!
Kien Thong - suu tam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét