Ông Năm Nhã tên thật là Dương Xuân Quả (SN 1957, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, An Giang). Từ làm thủ công, ông một mình nghiên cứu, tự lắp
ráp các thiết bị cơ điện áp dụng thành công tại cơ sở của mình như lò ấp
vịt, lò nướng bánh mì.
Năm 2002, ông đã tìm được thông số kỹ thuật của lò
sấy lúa vừa tiết kiệm điện vừa sấy lúa khô mà hạt gạo không nứt, gãy,
đạt chuẩn xuất khẩu mà tỷ lệ hao hụt không đáng kể.
Niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời làm thợ máy của
ông là lần đầu tiên thử nghiệm lò sấy với lớp lúa dày 1m mà vẫn khô
đều, khô nhanh và đạt hiệu quả như ý muốn.
Ông Năm Nhã bên lò sấy của mình
Không bao lâu sau, ông tiếp tục cải tiến thành
công lò sấy tĩnh, vĩ ngang. Nét độc đáo của lò sấy cải tiến này là kỹ
thuật lắp đặt cánh quạt nhanh chóng sinh nhiệt, tạo được độ nóng đều và
duy trì được nhiệt độ thích hợp.
Có sản phẩm, có thị trường, năm 2007, ông thành lập
doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã, chuyên sản xuất, lấp ráp lò sấy cải tiến
từ 10 - 30 tấn.
Hiện DN của ông ngoài 20 công nhân sửa chữa, lắp
ráp tại chỗ còn có 5 đội lưu động chuyên thiết kế và xây dựng các lò
sấy cho nông dân ở các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây
Nguyên.
Hiện sản phẩm lò sấy cải tiến không trở mẻ (lúa nằm yên một chỗ) của
ông đã được bà con nông dân và thương lái lúa gạo tin tưởng và đầu tư
lắp đặt ngày càng nhiều.
Từ năm 2011 đến nay, ông cũng đã xuất sang Campuchia hơn 200 bộ cánh quạt và lò sấy, đưa công nhân qua tận nơi lắp ráp.
Nhưng theo ông, thông dụng nhất là loại công suất 20 tấn/mẻ. Giá bán
các loại lò sấy này giao động từ 130 triệu đến 1 tỷ đồng/lò.
Lò sấy của ông Năm Nhã hiện nay không những làm khô lúa, nếp mà còn cả bắp, đậu, khoai mì, mè, cà phê, tiêu…
Đặc biệt là lúa sấy không cần trở mẻ mà hạt lúa vẫn đạt ẩm độ xuất khẩu. Với lúa giống có thể bảo quản trên 12 tháng.
Luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, ông Năm Nhã đã nghiên cứu thành công thêm hệ thống băng tải lúa từ dưới ghe lên lò sấy.
Thay vì trước kia các lò sấy truyền thống phải thuê
nhân công vát lúa bao từ ghe lên lò, nay có thể giảm được 5 - 7 nhân
công phục vụ cho 1 mẻ sấy lúa.
Lò sấy nổi lưu động trên sông có thể phục vụ sấy lúa tận nhà cho nông dân trong mùa mưa bão cũng đã được ông hoàn thiện.
Lò sấy của ông Nhã có khả năng vận hành từ 10 - 30 tấn/mẻ
Nét độc đáo của lò sấy nổi này này là có thể sấy từ
10 - 15 tấn lúa/mẻ. Lò được thiết kế khung sườn bằng gỗ nằm trên chiếc
chẹt, mặt sàn hình chiếc nón lá nhô lên được lót lưới cước trên mặt
gỗ, giúp việc di chuyển rất thuận lợi đến từng hộ gia đình.
Hiện giá bán trên thị trường với loại lò này từ 80 triệu đến 1 tỷ đồng/lò, đảm bảo độ bền từ 7 - 8 năm.
Không dừng ở đó, hiện ông đang tiếp tục thử nghiệm lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời để giảm chi phí cho nông dân.
Ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm khuyến
nông An Giang, cho biết An Giang là tỉnh có số lượng lò sấy lúa nhiều
nhất ĐBSCL, có thể đáp ứng 70 - 80% lượng lúa trong tỉnh.
Theo Ngọc Trinh/Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét