Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Bánh khô mè 7 lửa ở Đà Nẵng

Những nguyên liệu đơn sơ, mộc mạc qua bàn tay người làm bánh trở thành món ăn khiến người thưởng thức nhớ mãi.
Cứ mỗi xuân về, người làm bánh khô mè ở làng Cẩm Bắc (phường Hòa Thọ, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) lại tất bật với công việc làm bánh để bán, làm quà Tết cho bà con ở xa.
Ngày trước bánh khô mè làm từ những hạt lúa, nếp rang, rồi giã, trộn với đường, xúc ăn bằng lá mít.
Sau đó bánh được cải tiến bằng cách rây bột vào khuôn với những ô vuông (tương tự bánh in), bên dưới khuôn lót lớp vải thô, chưng cách thủy khuôn trên lò đã đun sôi khoảng 5 phút.
Tới công đoạn này, bánh từ nấu chuyển sang nướng, bằng cách tận dụng than của lò nấu, từ nướng lửa lớn sang lửa vừa, rồi nhỏ lửa để giữ cho bánh giòn và xốp.
Thưởng thức bánh khô mè 7 lửa ở Đà Nẵng
Bánh khô mè

Ngày xưa, người vợ thường làm bánh này cho chồng làm lương thực mang theo khi ra Huế thi cử. Ngay từ thời nhà Nguyễn, bánh khô mè Hòa Vang đã nổi tiếng. Tại đây có làng nghề làm bánh khô mè.
Hàng năm các quan lại địa phương dùng bánh làm phẩm vật dâng lên triều đình. Đến ngày nay, bánh trở thành sản phẩm đặc trưng của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng.
Bánh khô mè ngon nhất là ở làng Cẩm Bắc, quận Cẩm Lệ. Từ những nguyên liệu đơn sơ mộc mạc như bột gạo, đường kính, gừng, mè… qua bàn tay người làm bánh trở thành món ăn nhớ mãi.
Theo những người làm bánh khô mè, để có bánh ngon phải khéo léo trong nhiều công đoạn. Gạo vo sạch trắng như bông bưởi, để thật ráo rồi cho vào cối giã thành bột mịn, tẩm nước cho vừa ướt rồi cho vào nồi hấp chín.
Sau đó qua 6 công đoạn, 6 lần nổi lửa nữa mới thành phẩm. Vì thế món bánh khô mè ấy còn được gọi bằng cái tên dân dã - bánh 7 lửa.

Theo Kim Oanh/Danviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét