Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Tác dụng của Cây Vối

Cây Vối tác dụng chữa bệnh đường ruột

 Mẹ mình mang từ quê ra nửa lạng nụ vối, khoe ầm lên đây nụ vối Việt Nam xịn, không phải nụ vối Trung Quốc đâu nhé. Mẹ pha, ủ trong giành tích rồi luôn miệng giục mình uống, ừ thì uống cho xong chuyện, thấy mùi thơm hắc quen thuộc, cũng nhơ nhớ, rồi thôi.  
Nào ngờ thấy người khỏe khoắn lạ thường, bụng nhẹ không vòn tức anh ách nữa, chục năm nay rồi chữa đủ loại thuốc có ăn thua gì đâu, vậy mà…
Nhưng mình chưa dám tin vào sự thần kỳ đó, nên cứ im lặng uống nước vối và theo dõi cái bụng mình xem sao, chả lẽ cái nụ vối quê mùa lại có thể chữa được viêm đại tràng mãn và đường ruột kích ứng.
 Mỗi ngày mình đều đặn uống một đến hai cốc nước vối. Uống lúc nào cũng được. Bụng mình yên ổn, không đau quặn sau ăn như trước, không bị đi sống phân triền miên nữa. Sung sướng biết bao.
Mình bỗng nhớ câu “Người Việt mình nằm trên đống thuốc mà chết!”. Quả vậy, mình đi hết bệnh viện đến trung tâm y tế, nghe người nọ người kia mách, thay đổi không biết bao loại thuốc tây mà không chữa dứt được.
Thế mà mình đâu biết quý trọng cây vối, đến mùa quả vối chín, bọn mình leo lên cây vẫn chén mê mải quả vối chín đỏ ối, ăn chua chua thơm thơm hăng hắc. Vừa trèo mình vừa rung cho quả vối chín rụng xuống ao, xem lũ cá quả cá tham lam lao lên đớp ăn cho vui.

Mẹ còn bảo cây vối chả bỏ đi thứ gì, ủ xong thì cặng vối uống trước, nụ vối uống sau, nụ bỏ quên xó xỉnh vài năm lấy ra vẫn thơm ngon, mốc meo khóc thét không làm chi nổi, chất kháng sinh trong nụ vối mạnh thế đấy. Còn lá vối tươi có thể đun lên uống, ngon hơn lá chè xanh nhiều.
Bà mình tuổi già mất đi, cây vối bờ ao bị chặt bỏ, trồng thay vào đấy cây liễu cho nó thơ mộng. Mình cũng quên dần cây vối.
Lẽ tất nhiên của cuộc sống xoay vần, những giá trị mới thay dần giá trị cũ. Nhưng oái oăm thay, có khi nhọc công tìm  kiếm giá trị mới, nhưng rồi lại chẳng bằng giá trị cũ, mà lại làm mất đi giá trị cũ mới uổng làm sao. Khốn thay cho loài người cuồng quay vội vã và nông nổi.

Còn riêng mình thì ngàn lần cảm ơn nụ vối thân yêu bấy lâu mình lãng quên. Nhờ nụ vối mà mình xóa hẳn được nỗi đau căn bệnh đường ruột mãn tính, và mình lại được thoải mái ăn những món cay.
Mình sẽ về quê, trồng lại cây Vối!
Kien Thong
Tell 0983770950
Thông tin về Vối
Viện nghiên cứu y học dân tộc Hà Nội đã nghiên cứu tính chất kháng sinh của lá vối đối với một số loại vi khuẩn Gram dương và Gram âm và đã kết luận lá vối ở tất cả các giai đoạn phát triển đều có tác dụng kháng sinh rõ rệt, nhất là những lá thu hái vào mùa đông. Kháng sinh lá vối có tác dụng với nhiều lại vi khuẩn, như Streptococcus, Staphilococcus, vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphterae), phế cầu (Pneumococcus), Salmonella, Bacillus subtilis, v.v.. Hoạt chất kháng sinh này tan trong nước và các dung môi hữu cơ thông thường, bền vững với nhiệt độ, không độc với cơ thể, có thể dùng dưới dạng sắc, cao, hoặc viên trong những trường hợp đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy và viêm họng". Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế người Việt thường lấy lá vối, để tươi vò nát, nấu với nước sôi, lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm. Ngoài ra, người ta còn dùng lá vối phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa tiêu cả bệnh tiêu chẩy. còn một loại vối rừng mọc hoang ở vùng núi. dùng vỏ cây làm thuốc gọi là hậu phác để chữa đau bụng, đầy chướng, ăn không tiêu, nôn mửa….”
                                                   

Nước vối: Giải khát và chữa bệnh

Từ lâu đời nhân dân ta đã biết sử dụng lá vối hay nụ vối với cách chế biến đơn giản tạo thành loại trà nấu hay hãm lấy nước uống thường ngày. Đặc biệt nó lại giàu dược tính nên được dùng làm thuốc chữa trị nhiều bệnh chứng hiệu quả.


Vối được sử dụng có hai loại, một loại lá nhỏ hơn bàn tay, màu vàng xanh gọi là vối kê hay vối nếp; còn loại lá to hơn bàn tay, hình thoi, màu xanh thẫm gọi là vối tẻ. Hoa thành chùm tới hàng trăm nụ đan cài vào nhau và nở vào xuân, quả vối chín có màu đỏ thẫm giống quả bồ quân, ăn hơi chát và vị hơi đắng.
Các kết quả nghiên cứu về vối cho thấy trong lá và nụ vối chứa tanin, khoáng chất và vitamin... khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu.

Đặc biệt chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis, chính vậy mà lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Nước vối và nụ vối

Gần đây người ta còn phát hiện trong nụ vối chứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường. Các kết quả được tiến hành trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy nụ vối có khả năng triệt tiêu các gốc tự do, chống ô xy hóa mạnh. Khả năng chống ô xy hóa (antioxydants) của nụ vối đã làm giảm sự hình thành đục thủy tinh thể, bảo vệ sự tổn thương tế bào bê-ta tuyến tụy, phục hồi các men chống ô xy hóa trong cơ thể.

Theo các kết quả nghiên cứu trên động vật, các nhà khoa học của Viện dinh dưỡng quốc gia và Đại học phụ nữ Nhật Bản đã rút ra kết luận: Nụ vối có khả năng hạn chế tăng đường huyết sau ăn và hỗ trợ ổn định đường huyết, hỗ trợ giảm lipid máu, phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường khi điều trị lâu dài mà được sử dụng nước nụ vối uống thường xuyên.

Theo Đông y lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng có trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa; mặt khác chất tanin lại bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không làm tổn hại đến những loại vi khuẩn có ích cư trú tại ống tiêu hóa.

Kinh nghiệm dân gian cho biết lá vối tươi có công hiệu trị bệnh cao hơn hẳn lá vối đã ủ. Do vậy lá vối nấu nước uống có khả năng trợ giúp chữa trị các bệnh chứng hoặc các tổn thương như bỏng, viêm gan, vàng da, viêm da lở ngứa. Đông y còn dùng vỏ cây vối làm thuốc gọi là hậu phác; được sử dụng để trị đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa...

Song nước vối còn là loại có công hiệu giải khát trong những ngày hè nóng nực, làm mát và lợi tiểu nên còn có công năng đào thải các độc chất trong cơ thể qua đường niệu. Các nghiên cứu còn cho thấy nếu chỉ uống nước lọc hoặc nước trắng thì sau 30 - 40 phút là cơ thể đào thải hết; nhưng nếu uống nước lá vối hoặc nụ vối thì cũng trong thời gian ấy cơ thể chỉ thải loại 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ được đào thải từ từ sau đó.

Dưới đây là vài phương thuốc trị liệu có dùng vối.

Trị đau bụng đi ngoài: Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Cùng thái nhỏ phơi khô sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 - 3 ngày.

Chữa đầy bụng, không tiêu: Vỏ thân cây vối 6 - 12g, sắc kỹ lấy nước đặc uống 2 lần trong ngày.

Hoặc nụ vối 10 - 15g, sắc lấy nước đặc uống 3 lần trong ngày.

Chữa lở ngứa, chốc đầu: Lấy lá vối lượng vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu chữa chốc lở.

Giúp giảm mỡ máu: Nụ vối 15 - 20g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hay nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống thường xuyên mới hiệu nghiệm.

Hỗ trợ trị tiểu đường: Nụ vối 15 - 20g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày hay hãm uống thay trà. Cần uống thường xuyên.

Kien Thong – suu tam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét