Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Phượng Hoàng Trung Đô - Tầm nhìn, khát vọng của Quang Trung - Nguyễn Huệ

Phượng Hoàng Trung Đô.
Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ trước đến nay trên tả ngạn sông Lam - con sông lớn nhất xứ Nghệ, có  hai lần được chọn đóng Đế đô của cả nước. Lần thứ nhất, năm 722, Mai Hắc Đế xây thành Vạn An ở La Nam thuộc huyện Nam Đàn. Lần thứ hai, năm 1788 Nguyễn Huệ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở chân núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân, thuộc TP. Vinh.
Ban đầu, Quang Trung dự định chọn vùng đất Phù Trạch - Nghệ An để xây dựng kinh đô, nhưng sau khi nhận được trình tấu của Nguyễn Thiếp khuyên không nên xây ở Phù Trạch mà chọn vị trí ở Yên Trường. Cuối cùng nhà vua đã nghe Nguyễn Thiếp, xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô tại núi Dũng Quyết của xã Yên Trường, huyện Châu Lộc, Nghệ An xưa - chính là vùng đất giữa núi Dũng Quyết và núi Kỳ Lân, nay thuộc khối 3, phường Trung Đô TP Vinh hiện nay.
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, người mà Quang Trung tin là một nhà đạo học, am tường thời cuộc và địa lí.
Xem thêm

Núi Dũng Quyết có 4 chi: Long thủ (đầu rồng), Phượng dực (cánh phượng), Kỳ Lân (con mèo), Quy bối (lưng rùa) nên được coi là đất tứ linh. Về mặt địa lý, vùng núi Dũng Quyết có vị trí yết hầu trên con đường thiên lý xuyên việt, là chốn đô hội của non nước Hoan Châu, đã trở thành vị trí quân sự trọng yếu. Bằng đường bộ hoặc đường thuỷ, từ đây con người có thể vào Nam, ra Bắc, lên ngàn, xuống biển, tiến lùi đối với các hướng đều thuận tiện. Thế núi Hồng Lĩnh, núi Dũng Quyết, sông Lam, sông Cồn Mộc là những bức tường thành thiên nhiên phòng thủ kiên cố.
Núi Dũng Quyết kết hợp với dòng sông Lam, sông Cồn Mộc là một thắng cảnh hữu tình, đã được nhân hoá qua các thời kỳ lịch sử, giàu chất sử thi, đậm đà sắc thái xứ Nghệ. Dòng sông Lam là dòng sông lớn và đẹp nhất xứ Nghệ, chảy từ đại ngàn Trường Sơn, vượt qua bao thác ghềnh, với độ dài trên 600 km, khi về đây đã tự uốn mình ôm vòng, lượn dưới chân núi Dũng Quyết, rồi băng ra Cửa Hội, hoà vào đại dương mênh mông. Sự gặp gỡ, giao hoà giữa núi Dũng Quyết và dòng sông Lam đã tạo ra chốn địa linh, nhân kiệt.

Trên đây là nói yếu tố Địa. Trong tầm nhìn văn hoá của Nguyễn Huệ - Quang Trung còn một yếu tố hết sức quan trọng là yếu tố Nhân. Trong suốt cả quá trình hoạt động, chiến đấu tiêu diệt kẻ thù cả đàng trong lẫn đàng ngoài, Nguyễn Huệ - Quang Trung rất chú trọng tới con người xứ Nghệ.

Ngược dòng lịch sử, dưới thời Trần, khi vận nước đang bị uy hiếp trước làn sóng xâm lăng của vó ngựa Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông vẫn đặt niềm tin tưởng vào lực lượng ở xứ Nghệ biểu lộ trong câu thơ: "Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan Diễn do tồn thập vạn binh" (Nghĩa là: Cối Kê chuyện cũ Ngươi nên nhớ/ Hoan Diễn đang còn mười vạn quân).

Năm 1424, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đang trong tình thế khó khăn, không phát triển được, Lê Lợi đã đặt ra câu hỏi lớn: "Phải đi về đâu để lo việc nước". Tướng Nguyễn Chích đã hiến kế: "Nghệ An là nơi đất hiểm yếu, đất rộng, người đông... Nay ta trước hãy đánh lấy Trà Lân, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, vật lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô, thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ".
Xứ Nghệ là đất cố hương của anh em nhà Tây Sơn. Năm 1653-1657, quân chúa Nguyễn đánh ra chiếm 7 huyện phía Nam Nghệ An, khi rút lui có đưa một số tù binh người Nghệ An, trong đó có Hồ Sĩ Anh, quê ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vào ở đất Bằng Châu, tỉnh Bình Định. Nguyễn Huệ là hậu duệ đời thứ 5 của Hồ Sĩ Anh. Cha của Nguyễn Huệ là Hồ Phi Phúc đổi họ Hồ sang họ Nguyễn gọi là Nguyễn Phi Phúc.
Do thực tế cuộc sống đã trải qua, nhân dân xứ Nghệ rất ghét tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở đàng ngoài và tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn ở đàng trong. Đối với nhà Tây Sơn, nhất là Nguyễn Huệ - Quang Trung, nhân dân xứ Nghệ triệt để dốc lòng ủng hộ. .Nguyễn Huệ giao cho Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận cùng với La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô dưới chân núi Dũng Quyết.
Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16/9/1792) vua Quang Trung mất. Việc dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô không thực hiện được.

 Lịch sử chọn nơi xây dựng Phượng Hoàng Trung đô.


Việc xây kinh đô ở Nghệ An được Nguyễn Huệ đặt ra trong cuộc hội kiến với Nguyễn Thiếp tại đại doanh Lam Thành, xưa thuộc làng Triều Khẩu, dưới chân núi Thành, nay thuộc hai xã Hưng Khánh và Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, gần bến đò Phù Thạch, (nay thuộc xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Địa điểm đầu tiên mà Nguyễn Huệ đề xuất chính là mảnh đất ông đang ngồi hội kiến: làng Triều Khẩu. Vì chỗ đó gần Phù Thạch nên ông cũng gọi đó là Phù Thạch. Địa điểm này nằm ở chân phía đông núi Thành, trên tả ngạn sông Lam, vốn là trấn sở Nghệ An.

Trong chiếu, Nguyễn Huệ ấn định dựng đô ở Lam Thành và chính Nguyễn Thiếp đã can ngăn vì lý do địa lý ở đó không tốt và dân tình đang đói khổ, không thuận tiện cho việc thổ mộc lớn lao. Địa điểm thứ nhất ở Nghệ An không thành.

Nhưng Nguyễn Huệ vẫn rất quyết tâm chọn đất Nghệ An để đóng đô vì: “…. Nếu không lấy đất Nghệ An để thường thường chống thượng du, thì lấy đâu ra để khống chế trong ngoài”. Ta thấy rõ cách nghĩ của Nguyễn Huệ là giải pháp của một nhà quân sự đang dự cảm thời thế có thể chuyển biến mau lẹ.

Nguyễn Huệ gửi thư trách La Sơn Phu Tử và quyết định chọn lại đất đóng đô “… Những chỗ núi sông kết phát ở xứ này, tiên sinh đã từng chú ý xét nhận. Thế mà đã lâu chưa thấy trả lời. Nếu bảo rằng những chỗ Phượng Hoàng, Khánh Sơn (tức chỗ Triều Khẩu) không được đô hội thì sao chẳng tìm chỗ tốt khác cho thỏa ý quả cung cố trông mong. Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, quả cung đã từng mở xem địa đồ. Thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng. Có thể chọn xây kinh đô mới”. Tuy nhiên, việc lần này cũng không được tiến hành.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện, phần chép về Nguyễn Huệ có ghi “Bèn xây dựng lâu điện ở dưới chân núi Kỳ Lân, và đặt tên là Trung đô” mà xác định cho ta biết Phượng Hoàng trung đô được xây dựng giữa núi Quyết và núi và núi Con Mèo (tức Kỳ Lân) hiện nay núi quyết thuộc phường Trung Đô, TP Vinh. Quyết tâm của Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục khi ông đã là Hoàng đế Quang Trung. Cả khi lâm chung, Quang Trung vẫn không quên dặn cận thần hướng tới đất này làm kế lâu dài.

Hôm nay, đền thờ vị anh hùng cứu quốc này đã hoàn thành trên đỉnh núi Dũng Quyết. Đứng ở đây, có thể thấy Vĩnh Thành, thấy Lam Thành Triều Khẩu, thấy dòng sông Lam mải miết trôi, thấy Hồng Sơn trùng điệp, Đông Hải mênh mông, Song Ngư chắn sóng. Một vùng nước non địa linh nhân kiệt. Trước phế tích Phượng Hoàng Trung Đô, câu thơ Nguyễn Trãi về Hồ Quý Ly thủa nào tự nhiên vang vọng trong ta:

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật.
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.
Họa phúc có căn do, không phải một ngày mà đến
Anh hùng để hận hàng mấy ngàn năm.
Những kinh đô trong lịch sử dân tộc

Trong lịch sử dựng nước lâu dài của dân tộc ta, có những vùng đất do đặc điểm đặc biệt của nó đã vinh dự được các triều đại chọn làm kinh đô. Đầu tiên, vào thời kỳ đất nước Việt Thường, kinh đô đóng ở vùng Ngàn Hống (nay thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) mà chúng tôi đã có lần giới thiệu. Đến thời đất nước Văn Lang, kinh đô đóng ở Văn Lang, còn gọi là Phong Châu (nay là TP Việt Trì, Phú Thọ).

Thời An Dương Vương, kinh đô đóng ở Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Thời Hai Bà Trưng, đóng đô ở Mê Linh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Ngô Quyền giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, trở lại đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô cũ của An Dương Vương. Hai triều đại Đinh - Lê chọn đóng đô ở Hoa Lư (nay là Trường Yên, Ninh Bình). Các triều đại Lý - Trần - Lê - Mạc đều đóng đô ở Thăng Long (nay là Hà Nội). Nhà Hồ đóng đô ở Tây Đô (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (nay là TP Huế).
Năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) chọn đóng đô ở Hà Nội, tức kinh đô Thăng Long của các triều đại Lý - Trần - Lê xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét