Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Ninh Hiệp làng buôn bán Đông Dược.

Làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến không  chỉ là nơi trung chuyển vải khổng lồ của các tỉnh phía bắc mà còn là một làng nghề làm và buôn bán đông dược.
chuyện kể lại
Tương truyền, vào thời Lý, khoảng năm 968, làng Ninh Hiệp lúc đó tên gọi Phù Ninh. Bà Lý Nương trong một lần ghé qua đây, thấy người dân hiền lành hiếu khách. Nhìn cảnh dân đau ốm, bệnh tật, bà bèn trổ tài dùng lá cây để chữa bệnh giúp dân. Thế rồi, để đáp lại tấm lòng tha thiết được học của người dân đất lành này, bà đã ở lại để dạy cho dân cách trồng và biến cây thành những thang thuốc để chữa bệnh cứu người.
Người Ninh Hiệp dựng am thờ bà. Vua Lý phong bà danh hiệu "Lý nhũ thái lão- Dược tiên thần linh". Trong cuốn Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ có ghi: y học bây giờ chia làm hai khoa: nội và ngoại. Ngoại khoa chia làm ba phái: Phái họ nguyễn ở Bão Từ, phái họ Nguyễn ở Phù Ninh, phái họ Nguyễn ở Văn Lãng. Ba phái ấy dùng thuốc cao thuốc đồ hiệu nghiệm lắm.
Hiện trong gia phả của một số dòng họ ở Ninh Hiệp vẫn còn ghi lại, nhiều tên tuổi của làng Nành từng được triều đình cử vào cung chăm lo sức khỏe cho vua và triều thần. năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742) ghi Lương y chánh Thạch Duy Khiêm từng là chánh ngự y triều Nguyễn… Thầy thuốc xuất thân từ làng Phù Ninh thời nào cũng có, được phân bố rải rác khắp nơi.
Cụ Nguyễn Khắc Quýnh, tác giả cuốn sách Chuyện cũ làng Nành, được tổ chức UNESCO trao giải Ba. Cụ cho biết: Năm 1680, Hoài Viễn tướng quân, người làng Nành, đi sứ Trung Quốc, chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu. Cảm kích trước tài năng, nước bạn đã ban tặng bài thuốc linh diệu có tên Thái ất thần cao. Nghe đâu, bài thuốc này có thể chữa được bệnh ung thư cũng như nhiều bệnh nan y khác. Hiện bài thuốc này đang được Hội đông y lưu giữ cẩn thận. Tuy nhiên, do nguyên liệu toàn thứ khó kiếm, cách làm cũng quá kỳ công nên bài thuốc này đã lâu rồi không được nhắc đến.
Khôi phục nghề xưa

Những năm 1990, một nhóm những người cao niên trong làng đã nảy ra ý tưởng cần sớm khôi phục lại nghề trước khi bị mất hẳn. Tháng 6 năm 1990, thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Chi hội Đông y xã Ninh Hiệp, nhất trí bầu cụ Nguyễn Văn Hải, nguyên là hội viên Hội Đông y Trung ương, làm hội trưởng.. Hội liên hệ để cử một phần sang Viện Đông y để học thêm. Phần nữa tìm lại những vị nhiều tuổi còn nhớ nghề trong làng để học lại. Cụ Nguyễn Khắc Quýnh cũng góp phần không nhỏ trong việc khôi phục nghề cũ của tổ tiên bằng cách, hằng ngày, cụ vẫn dạy chữ Hán nôm cho lớp trẻ, với chủ định có thể giải mã được những bài thuốc hay, quý của làng mà văn tự cổ còn lưu giữ được nhưng chưa có điều kiện dịch.
Hiện nay, các hội viên tập trung vào chữa trị những căn bệnh thông thường, hoặc có tính chất mãn tính như dạ dày, thần kinh, suy nhược cơ thể... Các loại cao dán, thuốc viên, thuốc bột...
Do điều kiện đất chật người đông, người làng Nành hôm nay không có điều kiện để trồng cây thuốc nhiều nữa mà chủ yếu được thu mua từ khắp các tỉnh phía Bắc.
Nhưng người ở đây vẫn tự hào, bất kể cây thuốc từng qua tay những ai, phải qua tay người làng Nành mới có thể tự tin xuất khẩu ra nước ngoài được. Thuốc chủ yếu nhập về từ Trung Quốc, bởi trên thực tế, Trung Quốc có điều kiện khí hậu thích hợp, vùng trồng rộng lớn nên rất có điều kiện để phát triển thành vùng nguyên liệu.
Quế, hồi, sa nhân... từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên... tập trung về, người Ninh Hiệp gia công lại lần cuối, không bao giờ sợ mốc cả. Với các loại củ quả, người Ninh Hiệp mua thô về, tiến hành phân loại rồi sấy khô qua lửa. Sau đó mới đóng gói rồi phân bổ đi các nơi. Các loại củ như quy sâm, quy thục, các hộ ở đây mua về, sấy khô, rồi tiến hành sao tẩm, đóng gói. Còn với các loại thân, rễ cây thuốc, họ mua nguyên cây, rồi  thuê người thái thành khúc như ta vẫn nhìn thấy ở quầy thuốc bắc, sau đó sấy bằng diêm sinh. Thấy tôi băn khoăn về sự độc hại của chất diêm sinh trong quá trình sấy, chị chủ cửa hàng quả quyết: Từ lúc sấy khô đến lúc đóng bao chuyển đi cũng phải hơn một tuần, mùi diêm sinh sẽ tự mất, không ảnh hưởng gì đến chất lượng thuốc. Con gái Ninh Hiệp suốt ngày tiếp xúc với việc thái, sấy thuốc mà cô nào cũng da trắng tóc dài, thật chẳng hổ danh quê ngoại của Ngọc Hân công chúa.
Chúng tôi đến cửa hàng buôn bán thuốc bắc của vợ chồng nhà anh Chín. Mỗi tuần anh Chín đi Trung Quốc lấy hàng một lần, khoảng bốn, năm tấn, thu lãi tầm vài triệu đồng.. Người chủ hàng ở Trung Quốc chịu trách nhiệm đóng gói sẵn gửi về cho người mua theo xe hàng về phân phát cho các hộ ở đây. Thuốc họ mua về hầu như đủ tất cả những thứ nhu cầu thị trường.
Làm ăn về lâu về dài, chẳng thể ăn xổi với bạn hàng. Người Ninh Hiệp nhờ thế bao nhiêu năm nay vẫn xuôi chèo mát mái.
Để trở thành một làng quê phát triển vừa vững chắc và lành mạnh, bên cạnh cơ chế rộng mở, thông thoáng, cũng cần có sự quản lý chặt chẽ, từ phía chính quyền địa phương. Cuộc sống giàu mạnh trong sự bình yên, đó vẫn là mục tiêu đạt tới của các làng quê Việt trong nhịp sống mới.
Làng thuốc cổ của Thăng Long
Ninh Hiệp gồm ba làng cổ là Ninh Giang, Phù Ninh và Hiệp Phù.
Nay làng Ninh Giang đổi tên thành thôn 8, Hiệp Phù thành thôn 9, Phù Ninh lớn nhất chia thành 7 thôn.
Cụ Nguyễn Khoa Nhuần, kể lại vào thời Lý, một bà tổ nghề gốc Thanh Hóa có tài chữa bệnh cứu người, khi qua làng Phù Ninh và làng Ninh Giang thấy đất đai phì nhiêu, dân làng cần cù, bèn trụ lại dạy dân làm nghề thuốc nam dược và dệt vải.
Nguồn dược liệu vô cùng quý giá đối với dân làng Ninh Giang và Phù Ninh thời bấy giờ là rừng báng thuộc đất Đông Ngàn (nay là Tiên Du, Bắc Ninh), vừa là nơi khai thác vừa là nơi gieo trồng cây thuốc.

Sau nhờ có công lao truyền nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người, bà được phong là Lý Nhũ Thái Mẫu Dược sư thần linh.

Khi bà mất, thôn 6 thờ bà ở Điếm Kiều còn thôn 8 thờ tại đình làng cùng với thành hoàng làng.
Hàng năm, vào ngày 18/1 âm lịch, dân làm thuốc hai thôn lại tổ chức cúng lễ, tưởng nhớ bà tổ nghề.
Khi đất làng bén hơi của phố, người thôn 6, thôn 7, thôn 9 làm thuốc ít dần mà chuyển sang buôn bán vải; chỉ còn thôn 8 duy trì với nghề cổ với hơn nửa số lao động tham gia.

Những người làm thuốc ở đây hãnh diện bởi thời xưa, hai danh y nổi tiếng người làng giỏi nghề thuốc được vào cung làm ngự y chữa bệnh cho vua là Chánh ngự y Nguyễn Tán và Phó ngự y Nguyễn Khắc Hoạt cùng rất nhiều thái y khác.

Giữ nếp cũ, người dân Ninh Hiệp ngày nay vừa biết sơ chế thuốc, vừa biết bốc thuốc cho người bệnh các nơi tìm đến.

Sôi động làng nghề thuốc dân tộc

Thôn 8 không khác gì khu phố trong nội thành Hà Nội, đường xá quanh co chật hẹp, nhà cửa san sát những căn hộ cao tầng. Duy chỉ có điều, khắp trong nhà ngoài ngõ đều thơm lựng mùi đông dược; sân nhà, lối đi được tận dụng phơi thuốc, mỗi gia đình như một xưởng dược liệu với những kho thuốc ngổn ngang.
Nhà ít thì vài ba người làm nghề, nhà nhiều thuê tới vài chục công nhân, suốt đêm ngày nhộn nhịp.

Tuy không thu nhập cao như kinh doanh vải nhưng nghề làm thuốc là nghề hướng thiện, để lại nhiều phúc đức cho con cháu nên được nhiều người gắn bó, duy trì theo kiểu cha truyền con nối.

Ông Lâm Văn Định, một lang y cho biết ông làm nghề bốc thuốc mấy chục năm nay không dựa vào kiến thức ở trường lớp mà bằng kinh nghiệm cha ông và những quyển sách tự học.

Ông nhẩm tính rằng, từ khi làm nghề tới nay, khoảng 15.000 lượt bệnh nhân đã đến với ông, từ Vũng Tàu, Nha Trang xa xôi đến lưu học sinh các nước Australia, Canada, Nhật Bản...

Hiện tại, phố Lãn Ông là nơi tiêu thụ phần lớn thuốc ở Ninh Hiệp, là nơi trung chuyển thuốc tới tận tay người bệnh.

Lãnh đạo xã Ninh Hiệp cho biết làng thuốc nam, thuốc bắc Ninh Giang vừa mới được thành phố công nhận làng nghề truyền thống.

Vui hơn khi Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đang đề nghị làng nghề Ninh Giang tham gia chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để nghề thuốc Ninh Hiệp giới thiệu với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế về một bản sắc nghề truyền thống quê hương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét