Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Thổ Tang - từ làng lên phố!

Thổ Tang cách thành phố Vĩnh Yến đến 20 km, giữa một vùng nông thôn của huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, là một thị trấn sầm uất và nhộn nhịp buôn bán như phố phường Hà Nội. Có người ví, cả miền Bắc này chỉ có “thứ nhất Ninh Hiệp, thứ nhì Thổ Tang”.
Thổ Tang đang đô thị hoá từng ngày.
Thổ Tang có truyền thông buôn bán từ thời Pháp thuộc nên mặc dù ở vùng nông thôn, giao thông đi lại không mấy thuận lợi nhưng mức độ kinh doanh buôn bán, trao đổi hàng hoá rất lớn. Có đến 700 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 10 công ty lớn đầu tư thu mua chế biến hàng nông sản xuất khẩu. Bình quân mỗi năm xuất từ 5.000- 7.000 tấn chè búp khô, 4000- 5000 tấn lạc nhân, thu gom và vận chuyển vào Nam trên 5000 con trâu bò, hàng ngàn tấn thịt lợn hơi lên các tỉnh phía Bắc…Tại thị trấn, luôn có doanh nhân từ Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan đến thu mua hàng
Chính việc phát triển sản xuất và dịch vụ thương mại đã làm cho mảnh đất nổi tiếng này ngày càng thay da đổi thịt, đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.
Không chỉ mạnh về kinh tế, Thổ Tang cón rất chú trọng đến phát triển văn hoá- giáo dục. Trạm y tế xã, Trường Tiểu học, Trường THCS Thổ Tang đều được xây mới và bảo đảm cơ sở vật chất. Riêng trường tiểu học Thổ Tang đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2.. Ngay bên cạnh UBND thị trấn, chùa Tùng Lâm đang được trung tu. khang trang, sạch đẹp với những nét cổ kính cùng với Đình Thổ Tang- một di tich văn hoá nổi tiếng khắp vùng minh chứng về sự thịnh vượng của một vùng đất xưa- nay…
Thổ Tang vẫn còn chỗ chưa là “phố”. Chợ Thổ Tang vẫn “y chang” như trước, vẫn chật chội và có nguy cơ “cháy” bất cứ lúc nào. …Còn đường trung tâm thị trấn chưa được cải tạo: không có rãnh thoát nước, không được mở rộng nên chuyện ách tắc giao thông là chuyện thường . dư tính chợ Thổ Tang cũng sẽ được cải tạo nâng cấp theo mô hình đa dạng, trong đó có diện tích bán hàng theo mô hình siêu thị.
Với truyền thống, ý chí quyết tâm, của người dân, của mỗi cán bộ, đảng viên, Thổ Tang nhất định sẽ trở thành một điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đô thị  hoá và phát triển dịch vụ thương mại ở nông thôn.
Thổ Tang - Làng đi buôn

Dân quanh đây vẫn quen gọi Thổ Tang là phố, dù chẳng ai công nhận.
Mà đúng phố thật! Từ quốc lộ 2 theo đường tỉnh lộ 34 khoảng 4 cây số, Thổ Tang sầm uất không kém bất kỳ phố thị nào
Chỉ có khác là nơi đây chẳng có cảnh đi dạo phố. Phụ nữ Thổ Tang đã quá quen với cảnh “Ăn với chồng nửa bữa - Ngủ với chồng nửa đêm”.
Nói về truyền thống buôn bán, tuy không có thuận lợi (cận thị, cận giang) như nhiều địa phương khác nhưng từ thế kỷ 13 Thổ Tang đã được coi là vùng Kẻ Giang – Kẻ Chợ có tiếng. Và người đầu tiên học trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương (của Pháp) là nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn Thái Học, chính người Thổ Tang.
Buôn bán là nghề không dễ hình dung như nghề mộc, nghề xây, hay bất kỳ nghề nào khác. Vậy mà cứ đời này qua đời khác, cha truyền con nối. Nó khắc vào bản chất con người Thổ Tang đức tính chịu thương chịu khó, tần tảo, chi ly, tham công việc, tiếc thời gian.
Đàn ông Thổ Tang chẳng còn thời gian để cờ bạc, rượu chè, mà phải bôn ba để mưu sinh.
Những tỷ phú “ chân đất”
Những ông chủ “chân đất” ở làng Thổ Tang lý lịch bao đời nay đều gắn với hai chữ “bần nông”, trình độ văn hoá chưa hết THPT, vậy mà trong tính toán làm ăn kinh tế và tính thích nghi với thị trường thì nhiều người “có học” cũng phải thua.
Đến thăm Cty Thương mại Hoà Bình, một doanh nghiệp tư nhân chuyên xuất khẩu chè. Anh Nguyễn Xuân Tửu, từ một nông dân “chân đất” chỉ biết nghề làm ruộng với hai bàn tay trắng, nay đã là giám đốc Cty, doanh thu mỗi năm vài chục tỷ đồng.
Năm 2004, Cty Hoà Bình xuất khẩu 5000 tấn chè sang ấn Độ, Ba Lan... Còn ông giám đốc của doanh nghiệp Hải Cường, Chử Văn Cường thì lại khiêm tốn: “Việc chúng tôi làm đã có gì đáng nói đâu”. Năm 2004, doanh nghiệp Hải Cường thu mua hơn 2000 tấn chè khô để xuất khẩu. Để có nguồn hàng ổn định đạt chất lượng, Giám đốc Cường đã ký hợp đồng và ứng tiền sản xuất cho bà con nông dân ở Yên Bái, Hà Giang rồi thu mua chè.
Đến thăm ông Đỗ Trung Kiên, một thương gia chuyên buôn hàng khô. Ông Kiên vừa chỉ đạo thợ lao động gom nốt số lạc loại vào góc kho vừa nói: “Tôi vừa đóng hết hàng, kiểm kê kho nên mới có thì giờ tiếp mọi người”. “Buôn nông sản khó không bác?” – tôi hỏi. Ông Kiên cười lớn: “Thì cũng như nông dân cày ruộng thôi. Khác là họ cày bằng trâu thật còn chúng tôi cày bằng “trâu sắt”. Cày trên đường nhựa chắc dễ ngã hơn”.
Rồi ông Kiên bắt đầu kể về những rủi ro: “Dân chúng tôi buôn bán gia truyền nên khi bắt đầu bước vào thương trường là người ta tính toán cẩn thận lắm. Nhưng cũng không vì thế mà không gặp rủi ro. Hộ anh Lê Văn Kỳ trên đường vận chuyển trâu vào Nam, qua đèo Ngang bị đổ một xe, chết mất 11 con, đi toi vài chục triệu đồng; có người tin khách hàng bị lừa hàng trăm triệu tiền gạo; nhiều gia đình phải đổ cả xe mận đi vì tiêu thụ không kịp... Tất nhiên mỗi rủi ro sẽ là bài học cho họ và cho cả làng”.
Ngay sau khi nghỉ chế độ năm 1985. Ông buôn bán tất cả những mặt hàng mà thị trường cần như ngô, sắn, gừng, nghệ, cau khô và bây giờ nhiều nhất là lạc nhân. Từ một nhà buôn nhỏ, gom hàng khắp các vùng giờ ông Kiên thành một đại gia chuyên làm công việc na ná như của một đại lý cấp I. Bà con trong xã đi mua hàng ở các địa phương khác về bán lại cho ông. Ông thuê nhân công phân loại, sấy hàng theo đúng tiêu chuẩn, đóng gói rồi đóng công ten nơ chuyển đến các doanh nghiệp có tư cách xuất khẩu.
Người Thổ Tang như con nhện khéo đan mạng lưới thương trường ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Trong khi nhiều người ở Thổ Tang không biết đến Quyết định 80 của Chính phủ (tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng) là gì nhưng họ lại đang miệt mài như những chú ong thợ làm cái việc mà nhiều doanh nghiệp Nhà nước luôn kêu khó để “xin” hỗ trợ.
Năm 2004 Thổ Tang tham gia xuất khẩu 4000 tấn chè búp khô, 2000 tấn lạc nhân... hàng chục nghìn tấn vật liệu xây dựng; đây là con số không nhỏ giúp tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét