Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Tin Hay Không Tùy Bạn

Tả Ao bậc thầy về địa lý phong thủy?
Chúng ta thường nghe nhắc đến Tả Ao như một bậ thầy địa lý phong thủy, biết pháp thuật và trấn yểm. Nhưng trên thực tế đó chỉ là truyền thuyết dân gian.
Khoa Địa lý của Trung Hoa xưa kia, là khoa phối hợp thuyết âm dương, ngũ hành với sự quan sát cách thế, hình thể của các mạch đất cùng lối đi của sông ngòi, suối, lạch mà tìm ra nơi có chứa tụ khí mạch của đất, dùng nơi đó làm đất kết.
Họ quan niệm rằng nơi có đất kết, có thể chôn xương người chết nên nếu là kết âm phầm và có thể làm nhà, đình chùa, lập doanh trại, thị trấn, đô thị lên trên nếu là đất kết dương cơ, để người sống được hưởng sự thịnh vượng phát đạt do tú khí của vùng đất có đất kết đó.
Có nhiều chuyện dân gian về tài chọn đất điểm huyệt (chủ yếu về mồ mả - âm trạch) của Tả Ao.
Đất Cửu long tranh châu.

Trước khi từ biệt, ông thày địa lý bên Tàu dặn: Khi về Nam, nếu qua núi Rồng thì đừng nhìn hãy bịt mắt lại, nếu không, quạ sẽ mổ mắt vì ở đây có nhiều quạ. Vì tò mò, khi qua đó, ông chỉ che một bên mắt, vì nghĩ răng quạ có mổ thì vẫn còn một mắt. Thật bất ngờ, Tả Ao thấy trên vách núi là một hàm Rồng và ông nhận biết rằng đây là thế đất đẹp kiểu đất Cửu long tranh châu (chín rồng tranh ngọc), mừng mà nói rằng: – Huyệt đế vương đây rồi. Về nhà, Bèn đưa mộ cha về táng ở đấy. Kể rằng khi táng, ông đem cốt của cha mình viên thành 100 viên nhỏ, dùng ống đồng thổi vào hàm rồng, nhưng thổi 99 viên mà không vào được. còn viên cuối cùng, ông nghỉ lấy sức hồi tâm khấn vái trời đất và thiếp đi, bỗng trời đất rung chuyển sóng gió nổi lên, mây vần vũ kéo về, ông biết thời khắc đã đến, lấy hết sức bình sinh thổi viên cuối cùng, rồng ngậm miệng lại, nhả khói phun châu, trời đất mịt mù. Ông biết là mả đã được táng, vui mừng trở về nhà.
 Ít lâu, vợ Tả Ao sinh hạ được một con trai.
Khi ấy, nhà bên Trung Quốc, các thày thiên văn phát hiện các vì tinh tú đều chầu về nước Nam nên tâu với nhà Vua, ý là nước Nam được đất sẽ sinh ra người tài, sẽ hại cho nhà Minh. Nhà Vua bèn truyền các thày địa lý là nếu ai đặt đất hoặc dạy cho người Nam thì phải sang tìm mà phá đi, nếu không sẽ bị tru di tam tộc. Ông thày của Tả Ao biết là chỉ có học trò của mình mới làm được việc này nên cho con trai tìm đường xuống nước Nam. Huynh đệ gặp nhau vui mừng không kể hết hỏi bao nhiêu là chuyện:
Từ khi đại huynh về đã cất được mộ phần gia tiên nào chưa. Tả Ao cũng thực tâm thuật lại việc đặt mộ cha mình. Con thày Tàu dùng mẹo cất lấy ngôi mộ, bắt con trai của Tả Ao đem về Tàu.
Rồi thân mẫu của Tả Ao mất, Tả Ao quyết tìm  đất Hàm rồng ở ngoài nơi hải đảo để táng. Đến ngày giờ định táng thì trời gió to sóng lớn, không mang ra được. Lát sau trời yên, biển lặng ở đó nổi lên một bãi bồi, Tả Ao bèn than rằng: Đây là hàm rồng, năm trăm năm rồng mới há miệng một lần trong một khắc. Trời đã không cho thì đúng là số rồi. Người em vẫn kiên trì thuyết phục Tà Ao tìm vùng đất đẹp khác để táng và giao hẹn, mả Cha anh đã làm mất phần mả Mẹ để em quyết định. Tả Ao đồng ý và hai anh em lại tiếp tục đi khắp thiên hạ tìm thế đất đẹp. Trên đường đi Tả Ao nhìn thấy rất nhiều thế đất đẹp như Lạc Nhạn, Tiên Lãng … nhưng người em đều không đồng ý. Đi mãi, phần vì cũng mệt mọi và buồn chuyện không để được mả Mẹ vào Hàm Rồng, đến đất “không vong” Ông hỏi vui, chỗ nay đất “ Cao Biền” chú thấy thế nào? Người em đáp có trăng thì thế chứ và đồng ý ngay. Chuyện Cao Biền dậy non ai cũng biết. Khi táng Tà Ao có dặn đất này chỉ phát nếu đúng trăm ngày hô “ Biền ơi, Biền nổi dậy”. Nhưng người em đã quên lời, mới được 99 ngày đã ra Hô kết quả là “Cao Biền dậy non” binh sĩ gặp trời mưa lớn chết rét hết cả. Tả Ao biết là mộ đã không kết. Về sau vợ người em mang thai và sinh ba. Cả ba đứa bé đều khác người. khi mới sinh ra chúng đã khỏe mạnh và tự ngồi lên ngai bằng đất do người em đã chuẩn bị trước cho chúng. Đứa bé có tướng mạo quan Võ đã vào bắt lợn giết mổ khao quân. Hôm đó, người em đi cầy về sớm vì cầy gãy, không biết vợ mới sinh, lại thấy đứa trẻ đang bắt lợn, cáu bẩn sẵn trong người liền lấy báng cầy đập chết luôn. Vào nhà, thấy còn hai đứa trẻ một đứa ngồi trên ngai vua, đứa kia ngồi trên ngai quan văn. Biết là con mình và mình đã làm hỏng việc lớn, trong cơn tuyệt vọng người em đập chết cả hai đứa luôn vì nghĩ quan Võ đã chết, quan Văn và Vua mà để làm gì. Thương ôi! Trăm sự tại trời?
 Rồi Tả Ao chán nản gia cảnh, bỏ quê hương chu du khắp bốn phương để chữa bệnh, tìm đất giúp người.
Kien Thong – Suu tam
Xẻ núi Tản Viên
Thủa nhỏ, Bà nội tôi thường kể cho tôi nghe chuyện ông thầy địa lý Tả Ao.
Chuyện rằng: Ngày xưa, làng La ở xứ Đoài có đón được thầy địa lý Tả Ao về để xem đất. Thầy ở trong làng hàng năm trời. Dân làng thay nhau cung phụng ông. Rồi ông tìm được cho làng một cuộc đất tốt để làm đình, phát 18 quận công.
Khi ông đi, dân làng nói chuyện tạ ơn ông. Ông nói: Dân làng với tôi đã rất thịnh tình, tôi không nhận gì nữa, chỉ xin một khóm tre non để tôi trồng ở góc ao đình. Sau này, làng phát văn võ quận công, tôi quay lại, xin ngả bụi tre đó, chẻ lạt để xâu tiền. Xâu được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.
Đình làng để ở nơi đất đẹp, trước đình có ao làm minh đường. Làng vượng lắm, có đến 18 quận công, nổi danh trong triều ngoài trấn.
Sau, bụi tre lên xanh um. Dân làng mới họp bàn rằng, nếu cứ để bụi tre thế này, sau ông thầy Tả Ao về thì biết bao nhiêu tiền cho đủ để ông xâu tiền, mới lại bàn triệt búi tre đi.
Bẵng đi một thời gian, ông Tả Ao lại thăm làng. Chuyện trò hồi lâu ông mới hỏi đến bụi tre thì dân làng nói nó đã chết lụi rồi. Ông buồn lòng nhưng cũng làm như không có chuyện gì xảy ra.
Ông mới bảo làng có muốn phát nữa không. Dân làng nói còn muốn phát nữa, cả văn lẫn võ, cả đinh lẫn tài.
Ông bảo vậy thì hãy xẻ núi Tản Viên, dẫn nước về ao đình để thủy tụ nữa. Dân làng tưởng thật, xẻ núi dẫn nước về ao. Núi Tản Viên bị xẻ, động vào chân voi, chân ngựa, toàn long mạch cả, khiến cho đất đào lên cứ đỏ như thịt trâu thịt ngựa, nước thì đỏ như máu.
Chỉ trong một thời gian ngắn, làng La lụn bại. Làng mắc dịch và chết gần hết, số còn sống sót thì phiêu bạt khắp nơi. Làng La thành ra một làng không còn một bóng người.
Ngày nay, địa phận làng La chính là làng Nhân Lý, xã Yên Mỹ, ngoại thị Sơn Tây. Dân làng Nhân Lý chính là người dân trong vùng, sau một thời gian kéo đến ở, ăn thừa tự trên đất làng La xưa.
Việc xẻ núi Tản Viên - Ba Vì xin nhớ lấy. Việc đào bới, xẻ núi Ba Vì. Nước chảy ra trâu bò uống đều bị trụy thai cả. Dân vùng đó dùng nước đó đều mắc bệnh, ốm yếu.

Chắc như đóng đinh
Một làng nọ thuộc tỉnh... ở trung châu Bắc bộ, là một làng rộng lớn và giàu có, nhưng phải cái xấu là trai làng, anh nào cũng “vắt cổ chầy ra nước”, chơi với ai cũng muốn nắm phần lợi về mình, không chịu bỏ ra một xu nhỏ. Còn gái làng thì tinh nghịch, cô nào cũng chua ngoa, đanh đá, lại có tính lẳng lơ. Vậy cho nên ca dao có câu:

Làng kia có biển xà cừ,
Bao nhiêu con gái theo sư mất rồi...

Một hôm, ông Tả Ao đi chơi qua làng đó, ngắm thấy kiểu đất quý: trước miếu Bà, có cái thế đất hình người đàn bà nằm nghiêng, giữa huyệt có một cái giếng, nên con gái làng này rất đẹp. Chẳng những thế, ông lại còn thấy mấy kiểu đất trông như cái biển, cái chiên, chỉ hiềm vì miếu Bà lệch hướng nên trong làng không có mấy người làm nên to tát.
Thấy làng có nhiều đất đẹp như vậy, ông liền dừng chân vào nghỉ tại một quán hàng, vừa uống nước, ăn bánh, vừa ngắm địa thế.
Bỗng, có một bọn gái làng đi chợ về, cũng vào quán nghỉ chân uống nước, ăn trầu, cô nào cũng trắng trẻo, xinh xắn, nói năng cười cợt chẳng cần giữ ý tứ gì. Thấy ông Tả Ao ngồi đó, họ cũng chen vào ngồi, đùa cười như nắc nẻ, chẳng biết kính trọng người già cả là gì.
Hôm đó là ngày phiên chợ, nên quán nước luôn luôn tấp nập kẻ ra người vào: thôi thì hết bọn gái này, đến bọn gái khác ghé vào nghỉ chân, ăn trầu, uống nước hoặc hút thuốc.
Ông Tả Ao ngồi suốt buổi trưa, ngắm hết bọn này đến bọn khác. Ông xét thấy: gái thì lẳng lơ, vô lễ, trai thì kiêu ngạo, keo bẩn. Tất cả trai gái làng này đều có những cử chỉ lố lăng, ăn nói vô ý vô tứ.
Chừng đã xế chiều, quán nước thưa người, ông mới lần theo đường nhỏ vào làng. Hết ngắm hướng đình rồi đến hướng chùa, lang thang nhìn xem phong cảnh, ông dừng lại trước miếu Bà, lẩm bẩm:
-Gía họ biết điều, mình quay hộ hướng kia, ắt là trong làng được làm quan to, tha hồ mà giàu sang vinh hiển.
Chợt một dân làng đi qua đó nghe thấy, đoán chắc đây là thầy địa lý không sai, bèn chạy về phi báo cho các ông kỳ mục trong làng ra đón mời ông.
Thoạt đầu, ông chối từ; về sau thấy họ cố nằn nì, ông phải theo về đình làng. Thôi thì họ kêu nài đủ thứ, nào là xin ông làm phúc giúp cho một hai kiểu đất để làng làm ăn khá giả, nào là xin ông cho làng được nhiều người đỗ đạt, làm quan để làng nhờ cậy, dân làng sẽ ghi ơn ông muôn đời...
Ông Tả Ao chỉ gật gù, bảo:
Để tôi còn phải ngắm các kiểu đất xem sao đã.
Thực ra, chính ông muốn thử bụng các bô lão trong làng xem cách ăn ở, đối xử với ông ra sao.
Cơm nước chín mười hôm, ngày nào ông cũng xách tay nải đi quanh quẩn trong làng từ sáng đến chiều, nhưng hôm nào về ông cũng bảo với các ông kỳ mục rằng chưa tìm được hướng, phải đợi lâu lâu mới được. Kỳ thực, trong ngần ấy hôm, các ông kỳ mục đối đãi nói năng những lời gì ông đều dò la rõ cả. Ông biết bọn họ không tốt, chỉ hời hợt ngoài mặt, mong sao cho công việc chóng xong để rồi tống tiền ông đi, chứ trong tâm không thành thực, niềm nở tiếp đãi ông.
Một hôm, cơm nước vừa xong, ông vờ say rượu, nôn ọe, ngủ thiếp đi ra vẻ mê mệt lắm. Thấy ông như vậy, các ông huynh thứ thì thầm bảo nhau:
Không biết đó đúng là Tả Ao không? Hay chúng ta bị thằng này đến lừa làng mình, rượu chè no say ít lâu rồi chuồn thẳng, thì thật là bẽ với dân làng.
Một cụ khác nói:
Tôi cũng nghi lắm, trông lão này không có vẻ gì tài giỏi. Đời thuở gì mà gần nửa tháng nay rồi cũng chưa đả động gì đến việc Địa lý...
Ta phải thúc dục hắn mới được, không thể để tuỳ hắn như trước nữa. Nếu hắn cứ chùng chình, khất lần khất lừa thì đuổi ngay đi cho xong chuyện, chẳng cần kết phát gì cả. Làng ta như vậy cũng đã danh gía chán rồi.
Ông Tả Ao nằm gần đó, ai nói câu gì ông đều nghe rõ cả. Sáng sớm hôm sau, tỉnh dậy, ông vờ đi xem đất một lúc, rồi lại trở về đình.
Vừa thấy bóng ông, mấy ông kỳ mục đã vội nói:
Thế nào, xin ông giúp ngay cho, kẻo lâu ngày quá rồi.
Để mọi người nói xong, ông đáp:
Tôi cũng định về nói chuyện với các ông rằng hôm nay tốt ngày lắm, xin cho phân kim, làm lễ ở miếu Bà, xoay hướng miếu lại đôi chút là xong.
Đoạn, ông lấy tróc long và la bàn trong tay nải ra, nói với các ông kỳ mục cho mõ rao mời dân làng ra miếu
Bà xem cắm hướng, rồi làm lễ một thể.
Nghe ông Tả Ao nói xong, các ông kỳ mục mừng rỡ, đánh ngay ba hồi trống triệu tập dân làng ra miếu xem cắm hướng.
Cắm hướng xong, có mấy cụ nhà nho trong làng, ý chừng cũng biết tý chút về khoa Địa lý, kháo nhau khen mãi là giỏi, hết lời khâm phục Tả Ao.
Một ông huynh thứ trong làng hỏi:
-Ông cắm thế này thì làng chúng tôi phát đến gì?
Ông Tả Ao trả lời:
-Phát đến nhất phẩm triều đình, làm quan tứ trụ không sai. Đây này, các ông trông xem, có phải chỗ kia trông như sơn, như hải cả không, hai bên toàn là “trống cái”, “chiêng đồng”, và biển xà cừ chầu cả về miếu Bà này. Lại còn cái giếng kia là chính huyệt, đàn bà, con gái làng này tha hồ mà trắng trẻo, xinh đẹp, sẽ có người phát đến cung phi, hoàng hậu...
-Thế cụ có chắc như vậy không?
-Chắc, chứ sao lại không!
Một, anh đứng gần đấy, ra vẻ giễu cợt, nói:
-Chắc hơn cua gạch hay chắc hơn gắn sơn?
-Hơn cả cua gạch và hơn cả gắn sơn. Chắc như đinh đóng cột vậy. Kiểu đất này muôn đời cũng không thay đổi.
Công việc xong, ông Tả Ao thu xếp tai nải, đi ngay. Mấy ông kỳ mục lấy ra năm chục quan tiền tạ ông. Ông không lấy mà bảo đem phát cho kẻ khó.
Xoay hướng miếu xong, làng nghe ngóng mãi mà cũng không thấy phát, chẳng có ai đỗ đạt, giàu có sang trọng gì.
Mãi vài năm sau, chỉ thấy gái làng cứ không chồng mà chửa, trước còn ít, sau càng ngày càng nhiều, tiếng đồn lan ra khắp huyện. Trai làng thì cũng đổi nghề, trước kia cày cấy, buôn bán, nay lại xoay ra học nghề chạm, nghề sơn.
Thấy vậy, các cụ trong làng lo quýnh, biết là ông Tả Ao phản, liền đi tìm các thầy địa lý giỏi để xem lại hướng. Hơn chục danh sư được mời về đều trả lời: “Kiểu đất này rất đẹp, nhưng đã bị xoay lại cả rồi, cái chiêng đồng, cái biển xà cừ đã hoá thành cái chậu sơn, hai cái gò đống kia đã hóa thành cái chàng, cái đục; còn cái trống kia đã biến thành cái họa cho gái làng, vì cái giếng trước miếu Bà bị cắm một cái cọc, nên gái chưa chồng hay bị chửa hoang...Những gò đống, hồ ao thì không thể xoay lại được, chỉ còn một cách sai người lội xuống giếng, nhổ cái cọc tre đi để cứu vãn cho gái làng khỏi bị chửa hoang mà thôi.
Mười năm sau, khắp làng này trở thành thợ chạm, thợ sơn; gái làng thì thỉnh thoảng lại bị một thời kỳ chửa hoang vô kể. Về sau khám phá ra thì là vì mỗi các trai làng lân cận sang hỏi gái làng này không được, hay vì gái làng này có tính chua ngoa, cãi cọ với gái làng bên, đã bị trả thù. Kẻ thù đã ngầm sai người chờ lúc vắng vẻ lội xuống giếng, cắm cọc để gieo họa cho gái làng này. Về sau, các cụ bô lão trong làng phải cử người canh gác cẩn mật và cứ ít lâu, lại phải xuống giếng mò cọc một lần, để tránh cho gái làng khỏi cái nạn “hoảng chưa”.

Làm mắt cho con cá chép.
Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của cụ Tả Ao là chữa thế đất cho làng Hành Thiện ở Nam Định: cụ đi tới làng Hành Thiện thấy đất làng hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh. Dân làng nghe cụ nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin cụ đặt lại hướng làng. Cụ Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu phát khoa danh, nhất là họ Đặng.
Phút cuối đời của Tả Ao?
Mãi đến khi nhận thấy mình sắp sửa về chầu tiên tổ, ông mới gọi con cháu đến bảo, hãy khiêng ông đến ngay một nơi có miếng đất hình “nhất khuyển trục quần dương” (một con chó đang đuổi một đàn dê), mà ông chợt nhớ ra đã có lần để ý đến.
Thế nhưng con cháu khiêng ông mới đi được một đoạn đường thì ông đã thở hắt ra. Biết không kịp đến chỗ đất kia, mà có dặn thì con cháu cũng không biết đường mà lần, ông bèn bảo chúng dừng võng lại bên đường, đoạn gượng quay nhìn một gò đất ngay cạnh đường, rồi chỉ tay mà nói :
Chỗ kia là đất “huyết thực” bất đắc dĩ thì cứ chôn ta vào đây cũng được !

Nói xong, Tả Ao liền tắt thở!
Con cháu y lời, táng ông vào miếng đất ấy, đó chính là một cái bờ ao. một miếng đất phúc thần đời đời ăn hương hoa mà thôi.
Trong sách để lại cho con cháu Ông ghi:
“Đạo cao đức trọng chưng thân
Hổ long liên phục, quỹ thần liên kinh”
Hiểu sâu sa hơn Đức là làm người phải sống có đạo lý, kính trên nhường dưới, tôn trọng nhân lễ nghĩa trí tín, mọi sự sẽ được tốt lành.
Đức không phải từ Thiên Địa ban, mà chính con người phải tạo ra mới có. Có đức ắt sẽ có đất kết, con cháu nhờ đức đó mà vinh hiển, không cần phải tầm long, định hướng theo phong thủy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét