Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

7 kiểu đau không được xem thường

1. Đau như dao đâm giữa hai bả vai
Cảnh giác: Cơn đau tim
Khoảng 30% số người bị cơn đau tim không có triệu chứng tức ngực cổ điển. Đau giữa hai xương bả vai rất hay gặp ở phụ nữ, cũng như đau hàm, khó thở và buồn nôn. Nếu có những triệu chứng này (và nhiều khả năng sẽ có hơn một triệu chứng) thì cần đi khám càng sớm càng tốt.
Đau cơ thường là đau âm ỉ. Còn đau tim thì hay đau đột ngột như dao đâm. Hãy gọi xe cấp cứu chứ đừng tự đi đến bệnh viện. Hãy đợi xe cấp cứu đến vì họ có phương tiện để cấp cứu ngay những trường hợp như vậy.
2. Đau đầu “sét đánh”
Cảnh giác: Phình mạch não
Phần lớn chúng ta đều có những cơn đau đầu nhẹ hoặc vừa phải – và sẽ hết nhờ các thuốc giảm đau không cần đơn bác sĩ. Nhưng nếu bị cơn đau đầu “khủng khiếp chưa từng thấy trong đời” thì hãy gọi cấp cứu ngay. Và một lần nữa, đừng tự đi đến bệnh viện.
Làm thế nào để biết đó không phải là bệnh đau nửa đầu (đau đầu mi-ren)? Bệnh đau nửa đầu thường kèm theo cảm giác buồn nôn, sợ ánh sáng và tiếng động, và sẽ tiến triển dần dần.
Chảy máu não do vỡ phình mạch không phổ biến lắm, nhưng khi tình trạng này xảy ra thì hành động nhanh chóng chính là chìa khóa. Các bác sĩ có thể cứu được mạng sống của bạn bằng cách hàn kín điểm yếu đó lại. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể chết. Nguy cơ lớn nhất là nếu phình mạch bị vỡ và máu chảy vào trong não thì việc điều trị, nếu được, cũng rất khó khăn.
Không được dùng aspirin cho trường hợp đau đầu dữ dội đột ngột thế này – nó có thể làm tăng chảy máu.
3. Đau âm ỉ vùng bụng dưới bên phải
Cảnh giác: Viêm ruột thừa
Đau thường bắt đầu ở giữa bụng và dần dần di chuyển sang bên phải. Nếu ruột thừa vỡ thì sẽ là biến chứng rất nguy hiểm, vi khuẩn có thể đi vào máu và gây nhiễm trùng toàn cơ thể. Nếu bạn thấy có cảm giác đau âm ỉ ở vùng hố chậu phải, hãy đến ngay phòng khám cấp cứu của bệnh viện (Những nơi này thường làm việc 24/24h).
Thông thường với viêm ruột thừa, khi ấn vào bụng sẽ không đau bằng khi bạn đi nhanh. Một nghiệm pháp khác là sử dụng cơ ở dưới túi mật: Co đầu gối lên đầu và nhờ ai đó ấn xuống, trong khi bạn cố chống lại. Nếu thấy đau thì đó là dấu hiệu ruột thừa bị kích thích và cần được khám xét kỹ hơn.

4. Đau răng gây tỉnh giấc
Cảnh giác: Nghiến răng
Nghiến răng thường xuyên có thể khiến dây thần kinh trong răng bị viêm và lớp men bảo vệ răng mòn đi. Cuối cùng có thể dẫn đến hậu quả là răng bị vỡ xuống tận chân răng và phải nhổ răng. Các biến chứng do tật nghiến răng, thường do stress gây ra, có thể phòng ngừa được bằng cách mang chụp bảo vệ răng ban đêm.
Có nhiều người hay nghiến răng khi ngủ. Khi thăm khám, bác sĩ nha khoa có thể cho biết có cần mang chụp bảo vệ răng ban đêm hay không.
5. Đau ngang thắt lưng kèm theo sốt
Cảnh giác: Nhiễm trùng ở thận
Đừng cho rằng sốt, buồn nôn và đau lưng chỉ là do dạ dày. Tình trạng này có thể xảy ra khi vi khuẩn thâm nhập vào đường tiết niệu lan đến thận, khiến nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.
Bạn có thể bắt đầu bằng các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết nhiệu, như đau khi đi tiểu, nhưng một số người không thấy gì hết cho đến khi đã muộn. Nhiều khả năng bạn sẽ phải điều trị kháng sinh càng sớm càng tốt, vì thế hãy gọi cho bác sĩ.
Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn, một yếu tố dễ dẫn đến nhiễm trùng ở thận. Nếu nhiễm trùng thận không được điều trị, thận có thể bị mất khả năng hoạt động. Nhưng thường thì người bệnh sẽ thấy rất đau và không thể bỏ qua.
6. Đau bụng kinh nguyệt mà dùng thuốc không đỡ
Cảnh giác: Lạc nội mạc tử cung
Nếu các thuốc thông thường không giúp ích gì thì cần nghĩ tới lạc nội mạc tử cung – tình trạng lớp niêm mạc của tử cung phát triển ở những nơi khác.
Lạc nội mạc tử cung khá hay gặp và là nguyên nhân gây vô sinh. 40-60% số phụ nữ bị đau bụng dữ dội mỗi kỳ đèn đỏ bị tình trạng này.
Nếu bạn không cố muốn có con, bác sĩ có thể bắt đầu cho bạn dùng thuốc tránh thai uống. Nếu tình trạng đau vẫn tiếp duễn dai dẳng, có thể sẽ phải mổ để loại bỏ những mô mọc lạc chỗ.
7. Điểm sưng đau trên bắp chân
Cảnh giác: Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
Nếu thấy một vùng nhỏ ở chân bị đau, thì cần nghĩ tới huyết khối tĩnh mạch sâu - cục máu đông hình thành ở các tĩnh mạch dưới sâu. Chỗ đau này có thể đỏ và nóng khi sờ vào.
Huyết khối tĩnh mạch sâu dễ xảy ra hơn nếu bạn đang uống thuốc tránh thai hoặc mới trải qua một hành trình dài bằng máy bay hoặc ô tô.
Trừ phi chân sưng to hoặc đau nặng lên nhanh chóng, còn thì bạn có thể chờ một ngày rồi đi khám bác sĩ thay vì đến ngay phòng khám cấp cứu, nhưng chớ trì hoãn lâu hơn nữa. Cục máu đông có thể tăng kích thước hoặc rời ra, di chuyển đến phổi và gây tắc mạch máu ở phổi. Nó cũng có thể đi tới tim gây cơn đau tim, hoặc đi lên não và khiến bạn bị đột quị.
Để phòng ngừa, nếu phải đi xa bằng máy bay hoặc ô tô, bạn nên:
- Cứ 1 – 2 giờ một lần nên đứng dậy, duỗi tay chân và đi lại một chút.
- Dùng ngón chân viết lên sàn bảng chữ cái abc. Cử động ngón chân cái lên trên xuống dưới, từ trái sang phải. Khi viết các chữ, bạn sẽ vận động các cơ, tĩnh mạch, giúp máu lưu thông, nhờ đó máu sẽ không bị vón cục.
- Uống nước và không để mất nước.
Cẩm Tú
Theo today

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét