Bản Puôi xã Huy Tân, Phù Yên, Sơn La nổi tiếng về phong trào học giỏi, thành đạt, song cũng nổi tiếng vì đây là bản có thú ăn các loại côn trùng nhất huyện.
Châu chấu, cào cào, ve sầu, dế mèn, kiến, mối… chén tuốt
Hỏi chuyện ăn côn trùng, trưởng bản Hà Huy Huấn tỏ ra rất hào hứng. Anh Huấn bảo: “Bản Puôi là bản người Thái. Chỉ có người Thái vùng này là có thể chén các loại côn trùng. Cả huyện này đều thế”.
Cũng theo anh Huấn, đồng bào Thái ở đây trồng nhiều loại cây tốt um tùm để các loài côn trùng tìm về trú ẩn, hút nhựa, thế là có thể chén côn trùng quanh năm suốt tháng.
Anh Huấn liệt kê: “Châu chấu, cào cào, dế mèn, dế trũi, bọ xít, bọ cạp, dán, kiến, mối, ve sầu, nhện, các loại sâu…”. Tóm lại, gần như các loại côn trùng đồng bào bản Puôi đều có thể ăn được.
Ngoài các loại côn trùng thì các loài lưỡng cư như cóc, nhái bén, ngóe, chẫu chuộc… người dân bản Puôi cũng chén không tha loại nào.
Trong vô vàn các loại côn trùng mà người dân bản Puôi ăn được, thì món ăn yêu thích nhất là ve sầu.
Để có ve ăn, nhà nào cũng trồng một vài cây bồ kết trong vườn và chăm bón cho nó thật tốt, thật lớn.
Mùa hè, cứ đêm đến, sau cả ngày kêu ra rả, loài ve lại mò về cây bồ kết hút nhựa rồi ngủ. Chúng bu vào cây hút nhựa và đái như mưa dầm.
Người ta chỉ việc kéo bóng điện, đốt lửa, hoặc thắp đèn dầu dưới gốc cây, rồi ra sức rung cây bồ kết.
Khi bị động, chúng hoảng sợ bay ra, nhưng khắp nơi chỉ toàn bóng đêm, không biết bay đi đâu, nên cứ nhằm hướng có ánh sáng lao đến. Thế là, người ta chỉ việc ngồi một chỗ nhặt đầy túi.
Bắt được ve, họ cắt bỏ cánh, rút ruột ra, rồi nhồi hạt lạc đã rang vào bụng chúng, tẩm ướp gia vị, sau đó đem chiên mỡ hoặc rang trên chảo nóng.
Nhấp chén rượu, lại đưa nguyên một con ve vào miệng, cứ giòn tan, bùi ngậy không tả nổi. Mỗi người có thể ăn hết cả đĩa to hàng trăm con không thấy ngán.
Món ăn khoái khẩu không kém đối với người Thái ở xứ sở này là mối, kiến cánh.
Mùa mưa, cứ tối đến, những cơn mưa rào lại đổ ào ào xuống bản Puôi.
Hễ có mưa rào, từ trẻ con vô cùng hào hứng chuẩn bị chậu nước, bóng điện, treo bóng điện ra hiên nhà hoặc giữa sân, cách chậu nước chừng gang tay.
Mưa rào đổ xuống, kiến cánh, mối cánh sặc nước ngoi lên bay đặc trời. Chúng nhào cả về phía có ánh sáng, rồi rơi xuống chậu nước, không bay lên được.
Sau ve sầu, kiến, mối, thì châu chấu cũng là thứ đặc sản không thể thiếu được ở xứ sở ăn côn trùng này.
cánh đồng càng nhiều châu chấu càng thích. Không cần phải phun thuốc trừ sâu, châu chấu cũng không phát triển mạnh được bởi sở thích ăn châu chấu của người dân nơi đây.
Nhưng đồng bào nơi đây thì khác. Đến mùa lúa đang thì con gái, từng tốp người ra cánh đồng dùng những chiếc vợt khổng lồ gạt trên mặt ruộng để bắt châu chấu.
Họ để nguyên con châu chấu, cả đầu, cả bụng, cả cánh tẩm ướp gia vị rồi chế biến thành rất nhiều món khác nhau.
Tôi cũng đã từng ăn món châu chấu chiên xù, châu chấu nướng, châu chấu rang ở nhà hàng Phù Hoa lớn nhất huyện Phù Yên và thực sự bị quyến rũ bởi mùi vị của nó khi tẩm ướp với các gia vị của núi rừng.
Mùi vị hạt mắc khén (loại hạt gia vị chỉ có ở rừng sâu), hòa quyện với mùi vị châu chấu khiến ai một lần nếm thử đều khó có thể quên.
Nguồn gốc món ăn côn trùng
Ăn bọ xít nhãn
Ở Sơn La, người dân ở hai huyện Phù Yên và Bắc Yên có thú ăn các loại côn trùng, đặc biệt là bọ xít từ hàng ngàn năm nay. Món ăn này đặc trưng và thân quen đến nỗi, nó là món ăn hàng ngày trong bữa cơm của họ.
Những người mê ẩm thực lạ nhâm nhi một vài con là “hoành tráng” lắm rồi, đằng này, họ ăn bọ xít như ăn lạc rang.
Tôi nhớ ngày trẻ, trèo cây nhãn, từng bị bọ xít đái vào mắt, mắt sưng vù mấy ngày liền. Nước đái bọ xít dính vào da thịt thì ngứa thôi rồi, da mẩn lên từng miếng cỡ lòng bàn tay.
Kỳ lạ thay, không thấy có mùi hôi hám đặc trưng của bọ xít, ngược lại, con bọ xít chiên giòn cứ tan trong miệng, vừa ngọt vừa bùi, vừa béo. Mùi vị của bọ xít rất lạ, độc đáo, không giống với bất cứ thứ gì tôi từng ăn. Thế rồi, riêng tôi, xơi hết quá nửa đĩa bọ xít chiên vàng ruộm.
Mùa săn bọ xít
mùa nhãn ra hoa, kết trái, cũng là mùa bọ xít nhãn sinh sản rất mạnh.
Mùa này, người Thái ở các làng bản, từ trẻ con đến người lớn rủ nhau mang vợt, mang túi đi bắt bọ xít về ăn, đem bán kiếm tiền.
Có nhiều cách bắt bọ xít nhãn hiệu quả. Khi bọ xít còn non, chỉ cần tẩm nước măng chua hơ lên cây nhãn, chúng sẽ tự rơi xuống đất. Người ta dùng chiếc nẹp tre kẹp từng con bỏ vào túi.
Với bọ xít già, đã mọc cánh, phải dùng vợt gắn vào chiếc sào dài chụp lên chùm hoa nhãn lắc cho chúng bay lên chui vào vợt, hoặc buộc móc sắt vào sào tre, giật mạnh cành nhãn cho chúng rơi xuống. Con nào rơi xuống đất phải nhanh tay nhặt liền kẻo chúng bay mất.
Hết mùa nhãn, đồng bào Thái nơi đây lại xài món bọ xít đen bắt ở ruộng lúa. Bọ xít đen chỉ nhỉnh hơn con ruồi một chút, là nỗi kinh hoàng của nông dân vùng đồng bằng, tuy nhiên, chúng lại là đặc sản.
Theo "giới nhậu nhẹt", việc bắt bọ xít đen ở ruộng rất kỳ công, tốn sức, vì chúng rất nhỏ, phải vạch từng gốc lúa rồi nhặt từng con một. Tuy nhiên, giống bọ xít đen ở lúa lại cực ngon.
Đồng bào Thái nơi đây chế biến bọ xít cực kỳ đơn giản. Để nguyên con bọ xít, họ ngâm vào nước muối, sau đó đổ vào nước măng chua, đun cạn nước, rồi vớt ra rổ, để ráo nước.
Điều đặc biệt là không phải ướp bọ xít với gia vị gì, kể cả mắm, muối, mì chính. Khi ăn, đổ dầu lưng chảo, rồi xúc bọ xít vào rá sắt, nhúng vào dầu sôi một lát, rồi nhấc ra đĩa là xong.
Gia vị duy nhất ăn với bọ xít là lá chanh thái chỉ và một chút nước cốt chanh. Bản thân con bọ xít đã mang đủ các vị cay, mặn, ngọt, bùi…
Hỏi về thú ăn côn trùng xuất phát từ đâu, ai cũng bảo không rõ, chỉ biết rằng từ đời tổ, đời tông, có lẽ cả ngàn năm rồi người Thái đã coi côn trùng là một món ăn.
Ông kể rằng, ngày xưa, bản Puôi nghèo lắm. Học sinh của ông hầu như chỉ ăn cơm độn ngô, sắn và thức ăn là châu chấu, dế mèn, những loài côn trùng bắt được trong vườn ngoài ruộng.
Bản thân ông lúc đầu cũng thấy kinh sợ, nhưng dần cũng quen và rồi ông cũng nghiện những món này không kém gì người Thái bản địa.
Theo ông, có thể xuất phát từ cảnh nghèo đói, đã tạo nên một thú ẩm thực côn trùng như hiện nay. Nhưng cũng có thể đây là một tập tục có nguồn gốc sâu xa mà ta chưa biết rõ, bởi chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu về ẩm thực côn trùng của người Thái nơi đây.
Người Thái Lan và người Thái ở vùng Tây Bắc đều có chung nguồn gốc, và người Thái Lan cũng có tục ăn côn trùng rất phổ biến, nổi tiếng cả thế giới. Nhưng ăn nhiều loại, ăn thường xuyên, ăn như thức ăn chính thì có lẽ chỉ có ở hai huyện Bắc Yên và Phù Yên. Trong xứ Phù Bắc Yên này, nổi tiếng nhất phải là bản Puôi.
Biết đâu, nơi đây sẽ trở thành địa danh du lịch thưởng thức đặc sản côn trùng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét