Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Vẻ đẹp của Hổ Phách

Những bí ẩn triệu năm của hổ phách
Là khởi nguồn của nhiều câu chuyện đầy màu sắc huyền ảo, hổ phách đang được nhiều người săn lùng như một thứ "bùa hộ mệnh" mang đến may mắn, tài lộc và sức khỏe. Ít ai biết rằng, đây là một hóa thạch mất hàng triệu năm mới có thể hình thành và những mẫu hổ phách được mua bán, trao đổi trên thị trường đa phần là giả mạo.

Món hàng cả thế giới thèm khát

Ngay từ thời xa xưa, nhiều sử sách đã viết về hổ phách như những vật báu của những người quyền quý. Hổ phách được nhiều người cho rằng là linh vật hội tụ những sinh khí của trời đất được bồi đắp hàng triệu năm.

Có nhiều thần thoại về nguồn gốc hổ phách.
Có truyền thuyết cho rằng khi Phaethon (con trai của Helios-thần Mặt trời), điều khiển xe ngựa xuyên qua bầu trời trong một ngày làm ảnh hưởng đến Trái đất.

Để bảo vệ Trái đất, thần Zeus đánh Phaethon chết bằng một tiếng sét. Mẹ và chị gái của Phaethon đau buồn thương tiếc khóc cạn nước mắt. Những giọt nước mắt của họ bị khô bởi mặt trời và đó là hổ phách...

Một trong những lý do khiến hổ phách được săn lùng bởi nó cực kỳ hiếm.
Theo các ghi nhận của thế giới, có hai nguồn chính của hổ phách trên thị trường ngày nay là vùng biển Baltic và Dominic (Mỹ La tinh). Hổ phách Baltic được tìm thấy ở Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan, Nga và thỉnh thoảng trôi nổi lên trên bờ biển Bắc như Đan Mạch, Na Uy và nước Anh.
Nguồn hổ phách khác có xuất xứ từ Myanmar, Lebanon, Mexico, Romania, Đức và Canada. Tại Việt Nam, người ta cũng tìm thấy hổ phách nhưng số lượng vô cùng ít ỏi.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, việc hình thành hổ phách phải mất hàng triệu năm. Hổ phách vốn là phần nhựa của một loài thông cổ chảy ra phía ngoài thân cây hoặc chảy vào phần rỗng bên trong của những cây lớn. Phần nhựa này có mùi hương thơm rất quyến rũ nên thường thu hút các loại côn trùng lại gần.

Phần nhựa thông này bị vùi lấp trong lòng đất hoặc băng tuyết qua hàng triệu năm, chúng hóa thạch và trở thành những khối vật chất đặc biệt mang theo lá cây, cỏ hoặc côn trùng bên trong. Hổ phách thông thường có màu sắc là màu vàng của vàng kim loại, nhưng hổ phách cũng có thể được tìm thấy trong sắc thái của màu trắng sữa, màu cam đỏ, màu xanh lục, đen và thậm chí màu tím (rất hiếm). Thông thường, hổ phách khi mới đào được có hình dáng xù xì, muốn chúng trở nên bóng sáng, người ta phải mài rất kỳ công.

Tại Việt Nam, nhiều người đang tìm mua hổ phách như một món "bùa hộ mệnh". Những người bán quảng cáo rằng hổ phách là vật chứa linh khí của đất trời khiến cho người dùng nó trở nên mạnh khỏe, may mắn và nhận về nhiều tài lộc (?!). Chính vì thế, các sản phẩm được cho là hổ phách thường được làm dưới dạng tràng hạt, vòng đeo tay, mặt dây chuyền, mặt nhẫn....

Công nghệ "hô biến" nhựa thông thành hóa thạch triệu năm

Ông Nguyễn Thành Như, một cán bộ địa chất sống tại TPHCM cho biết: "Bọn gian sau khi chế tác ra hổ phách giả đã bày vẽ đủ màn đủ kiểu lừa gạt những người thiếu hiểu biết.
Công nghệ làm hổ phách giả khá đơn giản: Nhựa thông ba lá (loài thông phổ biến) được hòa vào xăng với một tỷ lệ nhất định. Chất lỏng này được lọc tinh khiết để gạn bỏ những phần vẩn đục rồi được nấu lên. Khi hỗn hợp nói trên gần cô đọng thì đổ mật ong và hàn the vào sẽ ra được một hỗn hợp có màu vàng giống như hổ phách. Ngoài ra, để tạo hương thơm như mùi của hổ phách thật, chỉ cần mua các loại hương liệu không màu trộn lẫn vào.

Sau công đoạn chế biến "hổ phách", để tạo cho "hổ phách" giống như thật. Kẻ gian thường dùng các loại cỏ, lá...và bắt côn trùng bỏ vào các loại khuôn. Sau đó đổ hỗn hợp nhựa thông nói trên vào và chờ cho chúng đông cứng lại. Công đoạn cuối cùng là mài dũa cho hổ phách sáng bóng và tạo thành những sản phẩm bắt mắt.

Muốn biết hổ phách tự nhiên hay nhân tạo hãy đốt thật nóng một cái kim may vá rồi châm vào viên hổ phách, hổ phách thật tỏa ra một mùi có hương thơm khác với mùi nhựa thông, plastic.

Màu, sự đặc sắc, tính tự nhiên của hình dáng những con sâu bọ mắc bẫy trong hổ phách, v.v... cũng là vài đặc trưng để giúp ta phân biệt hổ phách thật. Hoặc dùng cách thử bằng cách cọ vào lông cừu hoặc tơ, hổ phách sẽ tạo ra một sự tích nạp điện, nếu chúng hút giấy có nghĩa đúng là hổ phách. Nó cũng nổi trong nước có muối.

Tuy nhiên, các cách thử nói trên đều trở nên vô nghĩa với công nghệ làm giả hổ phách hiện nay.

Người sở hữu bộ hổ phách độc đáo ở Việt Nam
Ông Dương Phú Hiến- một nhà sưu tầm cổ vật khá nổi tiếng tại Hà Nội, kể: "Những khối hổ phách tôi có được đều do bố và ông nội tôi để lại. Tôi có sưu tầm thêm được một ít. Tuy nhiên, đó là việc diễn ra từ rất lâu rồi.

Theo nhà sưu tầm, các pháp sư ở vùng Tây Tạng, dùng hổ phách làm tràng hạt. Ngoài tính thẩm mỹ, khi đeo tràng hạt hổ phách, các bệnh về u bướu cổ tan biến một cách bí ẩn. Họ cũng dùng vòng hổ phách làm bùa phép chữa trị cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Một số bài thuốc cổ Trung Hoa trước Công nguyên cũng đã dùng hổ phách mài ra để chữa các bệnh về gan, mật, phổi...
"Bùa phép"có khả năng siêu nhiên (?!)
Chính bởi sự thần bí cũng như những tác dụng nhất định của hổ phách khiến con người tin tưởng đây là một loại "bùa phép" có khả năng siêu nhiên.
Ông Dương Phú Hiến chia sẻ: Để phân biệt được hổ phách giả - thật, cần phải chú ý rất nhiều điểm. Đầu tiên là trọng lượng riêng của hổ phách. Hổ phách thật rất nhẹ trong khi hổ phách giả nặng hơn gấp đôi; hổ phách thật có mùi thơm nhẹ, tự nhiên như hoa hồng.

Hổ phách thật rất trong và có độ chiết quang cao. Điều này chỉ có máy quang phổ mới có thể nhận biết được. Đây là một trong những khó khăn lớn nếu các nhà sưu tầm hoặc cá nhân mua hổ phách, bởi máy quang phổ chỉ có ở các trung tâm nghiên cứu lớn của nhà nước.

Ông Hiến cũng cho biết, một bước thử mang tính quyết định để biết hổ phách giả hay thật đó là đốt thử. Hổ phách thật không cháy mà tạo ra mùi thơm trong khi hổ phách giả sẽ mềm ra và cháy dễ dàng.
Ông Hiến cảnh báo: "Việc đeo các đồ trang sức bằng hổ phách giả sẽ có hại cho sức khỏe vì trong thành phần làm hổ phách giả có xăng, trong xăng lại thường tồn tại một hàm lượng chì nhất định".
Một liên hệ với "nhựa thông đỏ"?!
Ông Dương Phú Hiến cũng cho rằng hổ phách vốn là nhựa của cây thông đỏ. Đây là một suy đoán có lý bởi các nhà khoa học đã nghiên cứu nhựa cây thông đỏ trong việc chữa trị bệnh ung thư.
Thông đỏ là dược liệu gốc gác của thuốc chống ung thư nổi tiếng taxol. Taxol là tên gọi hoạt chất được chiết xuất từ thông đỏ.
Ngoài tác dụng gây độc tế bào bằng cách liên kết với các vi ống tubulin trong tế bào làm cho tế bào mất khả năng phân chia thì nó còn ức chế sự phân bào và gây chết theo chu trình. Đây là một dấu hiệu vô cùng khả quan coi như mở ra một cánh cửa trong ngành dược trị liệu ung thư.
Để có thể tạo ra một liều thuốc trị bệnh ung thư từ vỏ cây, người ta phải cần sử dụng khoảng 6 cây thông đỏ trưởng thành, trong khi số lượng thông đỏ rất hạn chế.
Hoài Phương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét