Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Hoạch Trạch làng Tiến Sĩ?

Đất Mộ Trạch huyện Đường An

Đất Mộ Trạch huyện Đường An xứ Hải Dương nổi tiếng nhất ở xứ Đông xưa, nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Theo phả tộc họ Vũ, Năm 825 ( Ất Tỵ) đời vua Đường Kính Tông, Cụ Vũ Hồn, được cử sang An Nam làm Thứ Sử Giao Châu, ngoài thơ văn hay, sách lược giỏi, Vũ Hồn còn tinh thông cả khoa thiên văn - Địa lý – Phong thủy. Ngài đến trang Lạp Trạch huyện Đường An thấy về phía tây thôn ấy những gò đống tựa 5 con ngựa, 7 ngôi sao hoặc những ao mà dưới đáy có doi đất nổi lên như hình quả bút, nghiên mực, quyển sách… Theo kiến thức về địa lý- phong thủy là một kiểu đất đẹp, có mạch đất từ mạch cái chạy chìm xuống đến tận giếng làng Mộ Trạch, nếu mộ táng ở đây con cháu sẽ phát sinh khoa bảng, Công danh hiển hách. Lạp Trạch huyện Đường An, nay thuộc thôn Mộ Trạch hay làng Chằm Thượng, xã Tân Hồng, tỉnh Hải Dương.
Huyện Đường An bên Phải có sông Hà Chợ, là hệ thống của sông Hồng, bên Trái có sông Cậy là hệ thống của sông Thái Bình. Sông Bờ Đập chảy phía mặt tiền là sông ngang nối giữa sông Hà và sông Cậy, phía sau là Kẻ Sặt xưa là rừng lim nhỏ. Con đường Quan Lộ chiến lược xưa kia từ Thăng Long đi qua khu Mộ Trạch chạy cặp theo sông Bờ Đập và lan tỏa khắp các vùng đồng bằng Duyên Hải, tạo ra Phong. Con đường này gắn liền với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã có nhân duyên và thu phục Tướng Quân Phạm Ngũ Lão, những tên tuổi làm nên chiến thắng quyết định chiến lược Hàm Tử - Chương Dương đập tan quân xâm lược Mông - Nguyên, vùng đất lạc nhạn mà. Sông Bờ Đập tạo ra thủy cho vùng đất kết hình xoắn ốc này. Dân vùng này có câu phương ngôn “lược làng Vạc, tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm.”

Họ Vũ Làng Chằm Thượng hay làng Mộ Trạch
Tiếng tăm khoa bảng Mộ Trạch đã được nhiều người biết đến qua câu:
"An Nam Tứ Trạng Mộ Trạch kiêm chi"
Tức An nam có bốn Ông Trạng thì đều ở Mộ trạch cả. Đó là trạng ăn và học Lê Nại, trạng cờ Vũ Huyên, trạng vật Vũ Phong, trạng toán Vũ Hữu và trạng chạy Vũ Cương. Ngoài ra họ Vũ làng Mộ Trạch còn có 12 đạo sắc phong.
Điều gì làm nên đất khoa bảng nơi này? Phải trăng nơi đây có giếng mắt rồng ăn với mạch cái làm cho con người thông thái? Hay con đường vào làng hai bên là những hàng cây mang cân đai như báo trước người đi sẽ vinh qui trở về? hay có sự che chở, phù hộ ở cõi tâm linh bởi những ngôi mộ thiên táng? Tất cả làm cho vùng đất này hấp dẫn khách du lịch bốn phương và thách thức với những ai muốn khám phá nó.
Họ Nhữ Làng Vạc hay làng Hoạch Trạch
Các cụ bảo:“ Tên làng Vạc là do vua ban vì dân làng đã nấu cơm cho quân lính ăn giúp vua đánh thắng giặc. Chữ Hoạch là cái Vạc, chữ Trạch là ơn huệ nên Hoạch Trạch được dịch nôm là cái vạc ơn huệ và gọi tắt là làng Vạc”. Làng xưa kia giàu có lắm chơi tết hết cả tháng giêng “ Do làng vạc có tục đánh chắn, ăn đêm. Đặc biệt nhà nào có đám thì cả làng kéo đến ăn từ đêm, Cò Vạc ăn đêm, nên người ta gọi là làng Vạc”.
Trong khoảng 150 năm ở thời phong kiến, dòng họ Nhữ này có tới 5 người đỗ Tiến Sĩ, ngoài ra còn có hơn 20 người đỗ trung khoa và có 31 đạo sắc phong. Đó là tiến sĩ Nhữ Văn Lan Ông ngoại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Hộ. Tiến sĩ Nhữ Tiến Dụng làm quan tới chức Lễ Bộ Cấp Sự Trung. Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền làm quan tới chức Hình Bộ Thượng Thư, được người đời ca ngợi: “ Văn chương Lê Anh Tuấn, Chính sự Nhữ Đình Hiền”. tiến sĩ Nhữ Trọng Tài làm quan tới chức Hiến sát sứ. Tiến sĩ Nhữ Đình Toản làm quan đến chức tể tướng được truy tặng làm Thái Bảo. tiến sĩ Nhữ Công Chấn làm quan tới chức Hàn Lâm Thị Chế, Lễ Bộ Hữu Thị Lang.
Làng Vạc theo cách nhìn các nhà phong thủy là đất Ngư Ông đầu hướng Mộ Trạch, giếng Mắt rắn ở sau Đình nói nên nơi đây được thần linh bảo vệ. Cuối làng có Kim qui Rùa Vàng canh giữ Cầu Sen nơi giao nhau đường Quan Lộ và sông Bờ Đập. Phía sau làng có Chim Trĩ ăn mồi là Đống Mả Rợp và Rãnh Tiểu khẩu. Đường làng gồm hai đường chạy thẳng từ đầu làng đến cuối làng theo hướng Bắc - Nam, hệ thống ao hồ nối thông nhau chạy cặp theo đường làng ăn thông với sông Bờ Đập, đường xóm vuông góc với đường làng phân chia thành các khu dân cư. Dòng sông Bờ Đập mang lại phù sa cho đồng ruộng và thoát nước cho nước ao hồ trong các làng vùng Mộ Trạch không bị tù đọng, nói chung là khai thủy sinh khí của Mộ Trạch. Nhìn tổng thể thì đường làng và sông Bờ Đập tạo thành chữ tam.
Giếng làng Vạc có bèo Ong nên nước trong và mát uống rất ngọt. Nước lúc nào cũng đầy áp bởi mạch nước ăn tận mạch cái, đùn lên to như cái nón, người lớn thường gọi là thuồng luồng để hù con trẻ. Nhờ nước giếng làng là lộc của trời đất ban tặng mà trai gai trong làng đều thông minh trắng trẻo, trai thì hào hoa khỏe mạnh, gái thì xinh đẹp mặn mà. Bên giếng làng có một cái cối đá miệng cối to bằng cái long để đựng nước cho những người phụ nữ hoặc những ai không xuống giếng lấy nước được, một nét sống cộng đồng đẹp. Năm 1976 chính quyền dùng hai bơm nước lớn bơm hút liên tục mà không cạn cuối cùng phải dùng rơm lấp mạch đi mới hút cạn được, thế mới lạ?
Ao trong làng Vạc thả bèo Tây, rau Muống và rau Ngổ nên nước ao rất trong và sạch. Các ao thông nhau và thông với sông Bờ Đập.
Người làng Vạc sống rất nhân hòa, mỗi sáng thức dạy là tiếng chuông chùa hay nhà thờ ngân vang, báo hiệu một ngày bình an, một ngày tốt lành lại đến. Người làng Vạc rất có văn hóa, nghe đâu ngọc phả mỗi dòng họ đều có bí kíp dạy cách ứng xử và cách làm giàu. Người làng Vạc rất hòa mình với thiên nhiên. Những cây xanh họ ưa trồng là cây Cau khát vọng tình yêu cưới hỏi vợ chồng, cây Hoa Hòe, cây Vối, cây Chè Tươi là những thứ nước uống giải khát bình dị thơm ngon trong mùa hè nóng bức, nhưng cũng là thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa rất tốt. món ăn dân dã là cá Đồng kho với Dành Dành hoặc Giềng. Gia vị nấu ăn bao giờ cũng có Gừng, Nghệ và Tỏi vừa bổ dưỡng vừa phòng bệnh tốt cho sức khỏe. Cổng làng Vạc trước kia có Cây Gạo tía hoa đỏ còn gọi là Mộc Thiên vì cây rất cao và có nhiều Quạ hay Thiên Sứ ứng báo trước cho dân làng. Vì sao người làng Vạc không tranh đua Đất Táng đẹp và xây Mồ Mả? Đơn giản, vì người làng Vạc ai cũng biết rằng Đất Táng Đẹp phải hạp Họ, hạp Người. Tùy theo Đức Dày Vọng Cả mà được hưởng nhiều hay ít, ai cũng có lộc có phần. Cõi Thần Linh, Các Cô, Các Cậu nơi đây cũng rất thương dân làng Vạc, bảo vệ thôn xóm, trừng phạt kẻ ác kẻ tham gian, phá làng phá xóm, phá phong thủy nơi này. Phù hộ cho người ở hiền gặp lành. Ngược lại dân làng sống cũng rất có Lễ có Tâm, các Đấng thần Linh, các Cô, Các Cậu được Tôn Kính lễ hội mở ra cả tháng Giêng nhờ vậy mà tài lộc đều phát ,ai cũng vui vẻ.
Làng vạc có nghề làm lược tre được tỉnh công nhận là làng nghề. Nghề làm Lược tre không ô nhiễm môi trường. Nhờ nghề này mà xưa kia làng Vạc rất giàu có, làng có cả Chùa và sư Thầy rất nhiều các vãi và các già vùng lân cận về đây lễ chùa. Tết làng Vạc thường ăn chơi lễ hội đến hết tháng Giêng. Người làng Vạc rất khéo tay và giỏi buôn bán. Lược làng Vạc buôn bán tận Sài Gòn, Hà Nội và sang cả Campuchia. Ở Hà Nội có cả phố Hàng Lược. Nguyên liệu Tre, Sơn phải nên tận đồng Rừng khai thác. Ao gỗ cuối làng là minh chứng cho việc khai thác lâm sản này.
Lược Bí tre cũng là cầu nối lịch sử cội nguồn mối quan hệ 3 làng, làng Hoạch Trạch, làng Mộ Trạch và làng Phú Khê. Làng Chằm Thượng làm hom xương gắn ở đầu Lược. làng Phú Khê làm chỉ sợi ken làm mềm Lược. làng Vạc sản xuất lược. vì sao có điều này? liên quan tới Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền khi đi sứ Trung Quốc đàm đạo đất đai đã học được nghề và truyền nghề làm Lược cho dân trong vùng. Mối quan hệ làng Hoạch Trạch và làng Mộ Trạch còn rất gần gũi nữa là Lưỡng Quốc Quận Quế phu nhân Bà Nhữ Thị Nhuận là em con chú ruột với Tiến sĩ Nhữ Đình Toản Chính thất của cử nhân Vũ Phương Đẩu xây lại Đình mới làng Mộ Trạch. Còn điều lạ nữa là ở Hoạch Trạch và Mộ trạch còn có hai ngôi mộ kết Thiên Táng của họ Vũ và họ Nhữ, và tại sao nhà thờ tổ họ Nhữ ở Sồi Tó mà nghề làm Lược lại ở làng Vạc?
Nguyên Khí Đường An
Trong thời kỳ Phong Kiến, Mộ Trạch và Hoạch Trạch là nơi Xuất hiện nhiều khoa bảng. Bia Văn Chỉ ở làng Vạc còn ghi danh 36 vị Tiến Sĩ huyện Đường An. Hàng năm Rằm tháng Giêng  nhân dân trong vùng thường tụ tập về đây cúng chùa và làm lễ tôn vinh các vị khoa bảng. Đây là nét đẹp văn hóa tôn trọng tri thức khảng định Hiền Tài là nguyên khí Đường An.
Có phải Phong Thủy Tài Lộc nơi này còn đang ấp ủ phát tiết những điều to lớn hơn chăng?
Hiện nay, con đường 5B đang làm bắt đầu tới Huyện Bình giang, không biết nó được thiết kế chạy qua vùng Đất Mộ Trạch thế nào? Những ai có tâm huyết đến Mộ Trạch, Hoạch trạch đến Đường An hãy chủ động khẩn theo dõi sát sao, kẻo nước đến chân nhảy không kịp. Cẩn thận không nên để mất phong thủy nơi này! Việc đã lỡ rồi khó mà hàn lại được.
Phong Thủy Làng Vạc nay.
Rất tiếc, phong thủy làng Vạc ngày nay không còn nguyên vẹn như xưa! Qua nhiều biến cố của lịch sử, phong thủy làng Vạc đã bị thay đổi nhiều. Từ năm 1976 đến năm 1979 là những năm phong thủy làng Vạc bị phá hủy nghiêm trọng, hẳn người đân làng Vạc ai cũng còn nhớ, Đình, Chùa, Miếu Mạo bị dỡ bỏ, tượng chùa bị đốt và quăng xuống Giếng, Giếng thì bị lấp mạch…và điều trừng phạt của Thần Linh thì ai cũng biết người khùng điên, người ốm không rõ bệnh gì. Người chết những tai nạn không đáng có. Sau những ai biết lỗi mang hoàn trả lại, sửa chữa lại đều khỏi cả. thật là đau thương? Và nay, khu Đồng Sau của làng Vạc đã thành khu thương mại, dân làng thì mất đất, một số kẻ tham thu tiền đầy túi, nước thải rác thải khu thương mại làm ruộng, đồng ao hồ làng bị ô nhiễm, tệ nạn cờ bạc rượu chè cùng với lô đề đóm cũng hoành hoành theo về…
Nghề làm Lược cũng chẳng còn ai tha thiết làm vì sao vậy?
-         Ngày nay dầu gọi đầu làm sạch gàu và chậy rận nên người ta không dùng Lược Bí nữa.
-         Lược làng Vạc đã không thay đổi thích ứng kịp với sự phát triển của xã hội.
-         Phong thủy làng bị phá vỡ thì sự thịnh vượng không còn, nghề làm Lược cũng mất theo.
Phải làm sao đây?
-         Làm Lược mã để đốt mã?
-         Làm Lược để khách du lịch thăm quan và cùng làm giải trí cho vui?
-         Làm Lược nghệ thuật để làm quà lưu niệm du lịch?
-         Mang nghề mới phù hợp về cho dân làng?
Hãy vì Quê Hương, tùy theo sức của mình mà chung tay góp sức khôi phục, bảo vệ phong thủy làng Vạc, khôi phục làng nghề, mang nghề mới về. Hãy nhớ nơi Quê Hương còn anh em, họ hàng ta đang sống. hãy làm việc gì đó để tỏ lòng tri ân với cội nguồn đã sinh ra ta. Xưa các cụ làm nên Đường An danh trấn lẫy lừng, nay thế hệ kế tiếp phải gìn giữ phát huy!



 

Xem thêm
Tức cảnh thành thơ con cóc!
QUÊ HƯƠNG
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con chèo hái mỗi ngày,
Quê hương Ông Cha vun xới
Để chùm khế ngọt hôm nay.
Quê hương là linh hồn sống
Rất cần trách nhiệm cháu con.
Quê hương đừng tham bẻ lá
Mang về làm của riêng tư,
Quê hương không cần hương thay đuốc
Mà cần Hào Kiệt non sông.
Quê hương là mái Đình nhỏ
Văn chỉ Giếng ngọc dòng sông.
Quê hương không nuôi TỆ NẠN
Mà cần PHÚ QUÍ HIỂN VINH.
Quê hương sẵn sàng trừng trị
Những kẻ làm bẩn cho Người,
Quê hương ban PHÚC LỘC QUÍ
Những nhà tích đức tu nhân.
Quê hương cánh đồng xanh biếc
Cháu con hưởng phúc muôn đời.
-------------------------------------------------------

Đường Quan Lộ nhân tài nhộn nhịp.
Lộc Đất Trời ban công gia quyến.
Tích Đức tu Nhân vì xóm làng ta.
Anh hùng hào kiệt hiện ra.
Đế, Vương, Trạng, Chúa gia đình vinh qui.
Bấy giờ ngẫm nghĩ mà suy.
Là do PHONG THỦY quê mình đó thôi.

Kien thong –suu tam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét