Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Tượng Phật Đồng Đen chùa Huyền Thiên

Tìm được báu vật “đồng đen”
Thôn Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh từng tồn tại chùa Vân Tiên nổi tiếng, còn gọi là Huyền Thiên cổ tự - một di sản tầm cỡ trong “Chí Linh bát cổ”. Đường vào Trại Sen nhấp nhô núi với thông, tùng xanh ngút mắt. Cuộc sống của cư dân hai bên đường trầm lắng khác hẳn vẻ ồn ã bên ngoài.

Bà Điếm kể, bà tìm thấy hai pho tượng trên cách đây đã ngót 40 năm. Bởi trận lụt lịch sử năm 1971, mất nhà, mất đất canh tác nên từ làng vợ chồng bà phải khăn gói vào đây phát nương trồng sắn sống qua ngày.
Cạnh nơi bà làm rẫy khi xưa là ngôi chùa cổ. Dấu tích còn sót lại của ngôi chùa ấy là khoảnh đất rộng thênh thang và một cột tháp nghiêng ngả.
Thiện căn, sùng Phật nên bà đã mở lối lên ngôi chùa đó và bỏ công sức dọn dẹp đống hoang tàn ấy.
Hôm ấy, vợ chồng bà đang làm việc dưới vườn nhà thì giật mình khi thấy có tiếng động ở cột tháp gần nền chùa cổ.
Khi vợ chồng bà lên gần tới nơi, thấy động, mấy người đang hì hục đào bới dưới chân tháp vội vàng bỏ chạy…Thì ra chúng là những tên chuyên săn tìm cổ vật. Tới nơi, vợ chồng bà đã sững sờ khi thấy cột tháp đã bị phường đạo tặc đào tận gốc theo kiểu hàm ếch.
Không thể để ngọn tháp cuối cùng đó gục ngã, vợ chồng bà bảo nhau xúc đất, kèn đá và, trong quá trình cải tạo đó, những báu vật trên đã lộ ra từ dưới chân tháp.
Bà Điếm kể, chỉ đơn giản, đức Phật nhờ bà trông coi thì bà phải hoàn thành nhiệm vụ, khi nào chùa được trùng tu thì bà sẽ đem trả lại.
Bà chỉ giữ hộ nhà Phật. Vài năm nữa, khi chùa Huyền Thiên được tôn tạo lại, bà sẽ lại rước các “ngài” về đó.
Bà Điếm bảo: “Các anh đi người không thôi nhé, chỉ được mang máy ảnh cá nhân thôi!”.
Bà Điếm vừa lẩm nhẩm những câu gì nghe không rõ, vừa kéo bức rèm màu đỏ lên. “Đây, các anh xem đi, các “ngài” đấy!”. Bà Điếm vừa nói vừa chỉ tay về phía hai pho tượng có màu đen thẫm, bóng loáng. Đó là tượng Phật Thích Ca và tượng Phật A Di Đà.

Bà Điếm cho biết, tượng Phật Thích Ca cao 40cm còn tượng Phật A Di Đà là 35cm và cả hai đều nặng tới gần chục ký. Thấy chúng tôi chực đưa máy ảnh lên chụp, bà Điếm vội vàng ngăn lại bảo, để bà thắp hương xin phép các “ngài” đã.

Bà lấy chiếc mâm có phủ khăn đỏ trang trọng và bảo tôi bê đỡ. Khi pho tượng Thích Ca to cỡ bắp tay được hạ xuống mâm, tôi đã vô cùng sửng sốt bởi không thể ngờ “ngài” nặng đến vậy. Chiếc mâm nhôm vốn cứng cáp là thế mà bị “ngài” đè võng xuống. Pho A Di Đà cũng thế, tuy rỗng phần đế mà nhấc trĩu tay.

Nghe nhiều về huyền thoại đồng đen nhưng thú thực, chúng tôi cũng như rất nhiều người, chưa một lần được tận thấy thứ kim loại được liệt vào danh sách vô cùng quý hiếm đó. Bà Điếm cũng vậy, bà không thể nhận dạng đồng đen bởi bà cũng chỉ nghe thứ mà người người suy tôn là báu vật vô giá này qua… giai thoại.

Theo ông Nguyễn Văn Sông - Trưởng ban Di tích thị xã Chí Linh (Hải Dương) thì rất có thể 2 pho tượng mà bà Điếm đang bảo quản, cất giữ là đồng hun chứ không phải đồng đen như nhiều người đồn thổi. Tuy nhiên, dù là gì đi chăng nữa thì hai pho tượng trên đúng là báu vật bởi có giá rất cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Vợ chồng bà Vũ Thị Điếm không những có công giữ gìn 2 cổ vật quý giá trên, mà còn xứng đáng được ghi nhận khi suốt mấy chục năm trời bỏ công bỏ sức canh giữ một khu di tích vô cùng có giá trị thuộc Chí Linh bát cổ, đó là chùa Huyền Thiên.
Chùa Huyền Thiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XI thời nhà Lý. Thế kỷ XIII, nhà Trần tiếp tục tôn tạo, mở rộng với quy mô hàng trăm gian và Huyền Thiên trở thành một ngôi chùa danh tiếng đương thời. Tương truyền sau chùa có động gọi là Vân Tiên rộng mấy chục trượng, vách động có muôn vàn thạch nhũ.  Nhiều vị danh sĩ nổi tiếng như Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng đến thăm và ẩn cư trong động này. Huyền Thiên cũng chính là nơi ba vị Trúc Lâm Tam Tổ tu hành thuyết pháp cho hàng nghìn tăng ni. Trải qua hàng trăm năm, do chiến tranh và thiên nhiên, ngôi chùa bề thế xưa nay chỉ còn là phế tích. Động cổ Vân Tiên cũng không còn dấu tích.
Mới đây, năm 2010, UBND thị xã Chí Linh đã có tờ trình với UBND tỉnh Hải Dương xin được phục dựng di tích Huyền Thiên cổ tự, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tam Tổ và trùng tu đền thờ Bà chúa Sao Sa, quy hoạch nơi đây thành trung tâm Phật giáo và khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 50ha. Trong đó, chùa Huyền Thiên sẽ phục dựng lại nguyên mẫu các hạng mục vốn có trên nền cũ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét