Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm rơm

Trồng nấm vào mùa mưa cần làm mái che hoặc tủ rơm dày để giảm độ ẩm, làm nền mô cao để tránh ngập úng.
Nấm rơm có thể trồng được quanh năm. Để trồng hiệu quả cần chú ý các bước sau:

Cách ủ rơm (áp dụng cho cả rơm tươi và khô)

Rơm được chất thành đống, chiều rộng 1,5 - 2m, chiều dài 4 - 8m.
Khi chất đống, cứ mỗi lớp rơm cao 20 - 30cm tưới nước để cho rơm thấm đều và dùng chân dẫm cho dẽ, tiếp tục chất các lớp tiếp theo cho đến khi đống rơm có chiều cao 1,3 - 1,5m.
Sau đó lấy nilon, rơm khô hoặc lá chuối tủ chung quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt. Vài ngày sau khi ủ, nhiệt độ trong đống ủ lên cao khoảng 60 - 70 độ C.
Nhiệt độ sẽ làm chết các mầm nấm dại và phân hủy một phần chất hữu cơ trong rơm rạ, giúp cho nấm rơm dễ hấp thu chất dinh dưỡng, phát triển thuận lợi sau này.
Sau 10 - 12 ngày, đống rơm ủ xẹp xuống, chiều cao khoảng 0,8 - 1m. Lúc này có thể đem rơm chất ra luống.
Thu hoạch nấm rơm
Chọn meo giống
Là khâu quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất trồng nấm.
Tiêu chuẩn bịch meo tốt: Sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp bịch có mùi tương tự như nấm rơm. Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trong bịch meo.
Một bịch meo giống nặng trung bình 120g, có thể gieo trên mô nấm rộng 0,5m, cao 0,4 - 0,5m, chiều dài liếp 4 - 5m.

Xếp mô và rắc meo giống
Sau khi ủ rơm xong, dỡ bỏ lớp rơm bên ngoài. Lấy rơm đã ủ bên trong mang đi xếp mô trồng nấm, cố gắng xếp hết trong ngày phần rơm đã dỡ lớp đậy khi ủ.
Chất mô nấm:
Cách 1: Rải một lớp rơm đã ủ lên mặt liếp rồi tưới nước.
Dùng tay đè dẽ chặt sao cho có chiều rộng theo mặt liếp khoảng 50cm, chiều cao 20cm. Rải meo giống dọc hai bên luống, cách mép luống 5 - 7cm.
Tiếp tục lặp lại thao tác trên cho lớp rơm thứ 2, thứ 3... Nếu ủ 3 lớp thì phía trên không rải men giống, chỉ rải rơm khô dày 4 - 5cm.
Tưới nước đè dẽ chặt, vuốt mặt ngoài cho mô láng, gọn. Vuốt mô không gọn, mặt ngoài mô không láng khi thu hoạch nấm sẽ làm hư các nụ nấm nhỏ, làm giảm năng suất.
Cách 2: Rơm sau khi ủ chín được cuốn thành từng bó, đường kính 15 - 20cm, chiều dài từ 45 - 50cm, xếp dẽ dặt từng lớp.
Sau mỗi lớp rơm, rải meo dọc hai bên luống, cách mép luống 5 - 7cm, tiếp tục xếp như trên cho lớp rơm thứ 2, thứ 3...
Tương tự cách 1, nếu ủ 3 lớp thì phía trên chỉ rải rơm khô dày 4 - 5cm.

Chăm sóc

Đối với nấm rơm, không cần dùng phân bón thêm. Vì rơm rạ khi phân hủy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nấm phát triển.
Theo dõi nhiệt độ và ẩm độ là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Ẩm độ là yếu tố hàng đầu, vì ẩm độ giúp quá trình phân hủy rơm rạ thuận lợi từ đó sẽ tạo nhiệt độ trong mô nấm.

Giữ ẩm độ thích hợp: Khi kiểm tra mô nấm, rút một nắm rơm ở giữa luống, bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn qua kẽ tay là vừa.
Nếu nước không rịn qua kẽ tay là khô, phải tưới nước. Nếu thấy nước chảy qua kẽ tay thành giọt là dư nước, phải ngưng tưới nước và ngày đó phải dỡ áo mô cho nước bốc hơi.

Nếu trồng vào mùa lạnh thì phải chắn gió, giữ ấm và làm mô nấm lớn hơn. Mùa mưa cần làm mái che hoặc tủ rơm dày hơn để giảm độ ẩm, làm nền mô cao để tránh ngập úng.
Đảo rơm áo mô: Sau khi chất mô 5 - 8 ngày, dỡ rơm áo ra, xốc cho tơi và đậy trở lại cho mô nấm. Cần phải đảo áo mô để tránh tơ nấm ăn lan ra ngoài, không tạo được nấm.
Thu hoạch

Sau khi ủ rơm 10 - 14 ngày có thể thu hoạch.
Thời gian thu hoạch nấm thường 7 - 10 ngày. Năng suất trung bình 1,5kg nấm tươi trên 1m liếp nấm.
Nấm sau khi thu hái cần tiêu thụ ngay trong 2 - 3 giờ. Nếu muốn để ngày hôm sau cần bảo quản ở nhiệt độ từ 10 - 15 độ C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét