Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Cây thạch đen dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao

Thạch thường được làm từ rau câu lấy ở biển, tuy nhiên cũng có một loại cây trên cạn cũng có thể làm thạch. Đó là cây thạch đen. Cây này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó đã được nhập vào nước ta từ rất lâu rồi.
Trước đây, nó đã được trồng ở nhiều nơi như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang).
Hiện nay, cây thạch đen được trồng nhiều ở Cao Bằng và Lạng Sơn (nhiều nhất là huyện Tràng Định).
Đây là loại cây thảo, trồng hàng năm. Nó chỉ cao độ 40 - 60cm nhưng thường bò lan trên mặt đất. Thân có 4 cạnh. Khi phơi khô, cả thân và lá có màu xám đen.
Nếu chăm sóc thì 1 năm có thể thu được 2 đợt, đợt 1 vào tháng 6 và đợt 2 vào tháng 10 - 11. Nên thu khi cây ra nụ và sắp nở hoa thì dùng liềm cắt sát gốc và đem cây đi phơi.
Thạch đen có hiệu quả kinh tế cao
Chỉ cần 2 nắng là cây khô hoàn toàn. Cứ khoảng 10kg lá thạch tươi sẽ thu được 1kg lá khô.
Một sào Bắc bộ (360m2) cũng có thể thu được 150kg cành lá khô. Nếu bán 30.000 - 40.000 đồng/kg lá khô thì bà con có được nguồn thu cao hơn nhiều loại cây khác.
Nếu ai thích sản xuất thành thạch cũng rất dễ làm. Ta đưa cành lá khô đi rửa cho sạch đất cát. Sau đó, cho vào nồi đun đến nhừ.
Sau đó bắc ra, để nguội và dùng tay vắt bỏ bã và lọc qua túi vải để hứng lấy nước thạch. Cứ 0,3kg cành lá thạch khô thì cho vào 2 bò bột gạo tẻ và đổ nước vào rồi đun lên.
Khi nào dung dịch đặc quánh lại, ta bắc nồi ra. Đổ nó ra chậu và để nguội. Ta sẽ thu được 6 - 7kg thạch ăn. Như vậy, ai cũng có thể tự sản suất được thạch để ăn.
Thạch còn có tác dụng làm thuốc để thanh nhiệt, chữa cảm nắng, cao huyết áp, đau cơ xương, đái tháo đường, viêm gan cấp.
Tổng Giám đốc của Tập đoàn Vinh - Cơ, là tập đoàn lớn của Hongkong có ý định xây một nhà máy ngay tại huyện Thạch An (của Cao Bằng) để sản xuất thạch.
Như vậy, bà con ở các tỉnh có thể trồng thạch đen để cung cấp cho nhà máy. Đầu ra mà ổn định thì việc trồng thạch đen sẽ rất có lợi.
Thạch đen được trồng bằng thân giâm cành hoặc bằng gốc của nó. Sau vụ thu hoạch, đào cả gốc lên và đưa vào vườn ươm để giữ giống.
Sang xuân, cây có thể mọc lên 20 - 30cm. Ta ngắt đoạn thân cách mặt đất 10cm để đem đi giâm. Còn phần gốc và rễ cũng được dùng làm cây giống.
Thạch đen là cây ưa sáng và ưa ẩm. Tuy nhiên, nó không chịu được điều kiện bị ứ nước.
Nó thích trồng trên đất cát pha ven sông, suối hoặc đất bồi tụ dưới chân đồi. Đất phong hóa từ đá vôi thì không thích hợp với thạch đen.
Thạch đen dễ trồng. Cây ít bị sâu bệnh. Mỗi vụ, nên làm cỏ 2 - 3 lần kết hợp với bón phân. Có thể trồng thạch đen lại là một hướng làm ăn cho hiệu quả kinh tế cao.
 Theo Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng/Danviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét