Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Nồng nàn chén cơm rượu miền Tây!

Không biết tự bao giờ người dân miền Tây Nam bộ đã có cách chế biến món cơm rượu nồng nàn mà ngọt lịm.
Trước tiên, người ta đem nếp ngâm độ nửa ngày, sau đó đem xôi cho chín (Xôi là một hình thức làm chín bằng hơi nước, nhiều nơi gọi là đồ).
Xôi xong, lại đem rút nếp qua nước lạnh cho hạt xôi bớt nhựa, rồi trút ra rổ cho ráo, lại tiếp tục xôi lần thứ hai.
Men cơm rượu làm từ các vị thuốc bắc, trộn với bột gạo, vo thành viên. Cà những viên men này thật nhuyễn, đợi xôi nguội rắc đều lên mâm xôi, đồng thời thấm tay trong nước muối đã được rang, nấu và lược nhiều lần cho thật sạch để vò cơm rượu.
Cuối cùng, đem cơm rượu ủ trong sọt lá chuối có khoét lỗ bên dưới để nước chảy xuống, ủ cho thật kín trong vòng 3 ngày rồi giở ra.
Những viên cơm rượu lên men mềm nhũn, vừa ngọt vừa nồng. Nước men lấy để riêng, khi ăn mới pha trộn vào cơm rượu.
Nước cốt có vị nồng gắt, nhiều người còn thắng thêm ít nước đường để hòa vào nước cơm rượu này.
Chén cơm rượu
Theo kinh nghiệm dân gian thì chất lượng của cơm rượu tùy thuộc vào men, nếp và lá chuối.
Có loại men cho vị ngọt, nhưng ít nước, có loại men cho ra nước cốt có vị chua, loại này thường người ta không ưa thích. Nếu nếp có lẫn gạo thì những hột gạo sẽ cứng, ăn nghe sừn sựt không ra gì.
Nghệ thuật xôi cũng cần lắm sự khéo tay của người làm. Nếu xôi khô, ít nước, cơm lâu lên men, ngược lại, xôi nhão nước và cơm rượu sẽ có vị chua. Còn lá chuối dùng để ủ nên phải chọn loại xanh, to bản.
Sử dụng lá chuối hột và lá chuối xiêm sẽ cho viên cơm rượu có mùi thơm rất thanh khiết; tuyệt đối không được dùng lá chuối tiêu, vì sẽ làm hỏng ngay cơm rượu.
Cách ủ cơm rượu bằng lá chuối
Cơm rượu không đơn thuần là một món ăn mà đó còn là một vị thuốc. Bởi lẽ, cơm rượu có chất lên men nên khi ăn có tác dụng hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa.
Sáng sớm, trời se lạnh ăn chén cơm rượu, men nồng ấm cả cơ thể, vừa khỏe, vừa dễ chịu biết bao.
Hơn thế, cơm rượu như một phần đời của người bình dân, nó gắn bó tự bao đời và đã trở thành nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây.
Cầu kỳ hơn, người ta dùng nếp than làm cơm rượu rồi đổ vào rượu đế loại ngon để ngâm.
Đem hũ sành đựng rượu ngâm đó đậy thật kín nắp, chôn xuống đất vài ba tháng mới đào lên uống. Dân gian gọi là lão tửu, thứ rượu ngon mà không phải ai cũng thưởng thức.
 Theo Hai Miệt Vườn/Danviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét