Anh Hùng (ở khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cho biết, qua thời gian tìm tòi, khảo sát anh thấy ở một số nơi đã xây dựng mô hình nuôi bồ câu Pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong khi đó, diện tích cần để xây dựng mô hình nhỏ, tốn ít thời gian chăm sóc, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, đầu ra lại ổn định nên anh quyết định mua 20 cặp chim bồ câu về nuôi thử theo phương thức nuôi nhốt.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, 6 tháng đầu tiên, chim phát triển tốt và sinh sản lứa đầu tiên.
Trong năm đầu anh quyết định để lại toàn bộ chim non làm giống. Đến năm thứ hai anh mới bán bớt một phần chim giống và chim thịt, số còn lại tiếp tục gây giống để tăng số lượng đàn.
Cùng với phát triển số lượng, anh đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi bồ câu.
Lê Thanh Hùng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi bồ câu Pháp
Trên diện tích 200m2,
chuồng nuôi chim bồ câu được anh xây dựng chắc chắn, sạch sẽ, có mái
che, tường làm bằng gỗ dừa (tạo sự thoáng mát), có lưới thép B40 bao
xung quanh.Anh Hùng cho hay, một cặp chim bồ câu có thể sinh sản 7 - 8 lứa/năm. Nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đến nay bồ câu của anh đã lên đến 400 cặp.
Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán trên 200 cặp, thu về khoảng 11 triệu đồng. Ngoài ra, với giá bán chim giống khoảng 350.000 đồng/cặp và kết hợp nuôi gà ta, chim trĩ, gà Đông Tảo cũng đem lại cho anh một khoản thu khá cao.
Bấm đốt ngón tay anh nhẩm tính: 'Mỗi năm riêng tiền bán bồ câu cũng thu trên trăm triệu đồng, đó là chưa tính gà, chim trĩ… Thu nhập trung bình của tôi khoảng 120 triệu đồng/năm'.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội ND phường 3, thị xã Quảng Trị cho biết: 'Bồ câu Pháp dễ thích nghi với môi trường nông thôn, ai cũng có thể nuôi được, thị trường tiêu thụ lớn nên hiệu quả kinh tế cao.
Phân của bồ câu còn được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả, nên việc mở rộng mô hình nuôi bồ câu như anh Hùng sẽ giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan'.
Theo Ngọc Vũ - Nguyễn Công/Danviet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét