Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Những chiếc lồng chim quý hiếm

Một chiếc lồng chim quý hiếm, tinh xảo, giá trị có thể đạt 700 - 800 triệu đồng là chuyện bình thường, có những chiếc lên đến tiền tỷ.
Lồng chim 'thượng vàng hạ cám'
Đã có khá nhiều câu chuyện về thú chơi lồng chim tốn kém ở Hà Nội hay TP HCM được đưa lên mặt báo.
Nhưng có lẽ ít người hình dung ra nó đắt ở điểm nào, và một chiếc lồng chim bình thường thì giá cả ra sao, dựa vào đâu để định giá.
Những chiếc lồng chạm trổ kỳ công, hàng nhập khẩu hay khảm ngọc/ngà voi sẽ luôn đắt tiền hơn nhóm còn lại.
Tuy vậy, ai cũng hiểu mức giá hàng trăm triệu đồng ấy chủ yếu đắt ở nguyên liệu (ngọc, ngà voi).
Anh M.Q, bắt đầu chú ý đến việc nghiên cứu lồng chim từ năm 2007, cho biết:
'Hầu hết lồng chim quý hiếm hay không sẽ dựa vào xuất xứ của nó, không kể ngọc ngà vì đó là chi tiết mình thêm vào thì nó đắt thôi.
Còn để so sánh hai chiếc lồng được làm ra theo cách bình thường với nhau, thì khâu chạm khắc, nguyên liệu và cả cái tiếng của người làm lồng sẽ quyết định'.
Cầm trên tay chiếc lồng chim trị giá 16 triệu đồng, anh M.Q nói rằng chiếc lồng 'trung bình' này có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong giới chơi chim, người ta tìm cách săn hàng nước ngoài, đa phần là từ Trung Quốc vì nó chất lượng cao và được sản xuất theo dây chuyền công nghệ nên rất đẹp, đều.
Đến thăm anh Đ.A, chủ một cửa tiệm bán lồng chim nho nhỏ ở Thanh Đa, Bình Thạnh, TP HCM, anh cho biết giá trị lồng chim không kể các vật liệu quý đính kèm cũng rất đa dạng.
'Cửa hàng của tôi chủ yếu trưng bày lồng chim phổ thông, khi nào có người yêu cầu cụ thể việc đính ngà, đính ngọc thì sẽ lấy hàng về', anh Đ.A nói.
'Lồng chim bình thường tại đây giá thấp nhất là 2,5 triệu đồng/chiếc, cao nhất là 24 triệu đồng.
Tùy kích cỡ và vật liệu thì lồng có giá khác nhau, nhưng chưa chắc lồng càng to thì càng đắt.
Nếu là lồng cu gáy nho nhỏ hoặc lồng chim làm từ nan, tre bình thường thì vài trăm ngàn cũng có'.
Làm giàu từ chiếc lồng chim
Lẽ dĩ nhiên khi có người bỏ ra vài chục, vài trăm triệu đồng cho một chiếc lồng chim, người bán sẽ có thể làm giàu từ kinh doanh phục vụ thú chơi này.
 Anh Đ.A cũng là một trường hợp thú vị về chuyện kinh doanh lồng chim.
Vào TP HCM từ năm 2005, anh Đ.A mê chơi chim từ nhỏ, nhưng chỉ thực sự 'chuyên nghiệp' trong giai đoạn 2007 - 2008, khi TP HCM rộ mốt chơi chim và thi thố với nhau.
Anh Đ.A kể: 'Cũng vì đam mê rồi tự tìm tòi, tự sửa lồng, nghĩ cách chế ra những dụng cụ trang trí lồng... tôi bắt đầu kinh doanh.
Ngoài công việc tu bổ lồng chim cho khách, bán dụng cụ, thức ăn, tôi nhận đặt lồng chim theo nhu cầu của khách'.
Những người mở cửa hàng và bán theo kiểu trung gian như anh Đ.A ít thì mỗi tháng 7 - 8 chiếc, nhiều thì đều đặn mỗi ngày một hoặc vài đơn hàng, vì 'nhu cầu lồng chim xem vậy lại khá cao', theo cách Đ.A nói.
Điểm đặc biệt trong nghề bán lồng chim kiểu này là một chiếc lồng sẽ được bán ra với giá thường gấp đôi lúc lấy hàng về.
Anh X.H, chủ một cửa hàng ở quận 5, TP HCM tiết lộ: 'Như chiếc lồng này tôi bán 4,6 triệu đồng nhưng lúc lấy vào chỉ tầm 2,7 - 3 triệu đồng.
Đặc biệt nếu khách hàng yêu cầu càng nhiều chi tiết nhỏ như ngọc làm lót đế, khay ăn bằng sứ hay khảm ngà cho cửa lồng... giá trị có thể tăng hơn'.
Đấy là cách bán của đại lý, đối với những nghệ nhân, người trực tiếp làm ra sản phẩm lồng chim thì số tiền thu vào cũng không nhỏ.
Với những người có tiếng, thông thường họ mất khoảng 3 - 5 ngày để xong một sản phẩm tùy kích cỡ hay độ khó.
Với số lượng và giá trị đơn hàng, họ có thể kiếm 50 - 60 triệu đồng/tháng.
Mặc dù xuất hiện nhiều làng nghề, khu vực chuyên sản xuất lồng chim, Việt Nam vẫn đang đi sau Trung Quốc trong ảnh hưởng tại thị trường này.
Anh Đ.A cho biết, giữa hai chiếc lồng chim tựa nhau, thì lồng Trung Quốc luôn có giá đắt hơn ít nhất 1 triệu đồng.
Nguyên nhân ngoài chi phí vận chuyển, lồng Trung Quốc còn được đánh giá cao hơn ở độ bền và độ chính xác trong từng chi tiết.
Những người chơi lồng chim và bán lồng chim khẳng định rằng hơn 90% lồng chim Việt Nam được làm thủ công.
Điều này khiến đôi khi nhiều sản phẩm ra đời không thể nào đạt độ chính xác cao như máy móc bên Trung Quốc làm.
Thường thì lồng Trung Quốc sẽ có phần sọc nan vuốt kỹ hơn, đều hơn.

Theo Trương Phi/Danviet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét